Tiềm năng và giải pháp chuyển đổi năng lượng ngành dệt may

Tiềm năng và giải pháp chuyển đổi năng lượng ngành dệt may

Xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu nhằm hạn chế phát thải và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cho các doanh nghiệp sản xuất. Công nghệ năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên hiệu quả về mặt chi phí và được kỳ vọng chiếm một phần ba tổng sản lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2030, theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).

Tại Việt Nam, ngành dệt may phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm, là một trong những ngành tác động tiêu cực nhất lên môi trường, chỉ sau ngành sản xuất xi măng, thép. Việc sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp ngành dệt may tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí điện năng (theo số liệu của Bộ Công Thương, IFC, USAID). Việc đầu tư cho chuyển đổi năng lượng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp tạo dựng hình ảnh tốt với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu về khía cạnh môi trường và hoạt động xuất khẩu.

1. Các giải pháp năng lượng tái tạo cho doanh nghiệp dệt may

Tiêu thụ năng lượng của ngành dệt may chủ yếu do việc vận hành thiết bị. Do đó, chỉ cần tìm ra đúng khâu gây lãng phí năng lượng, doanh nghiệp sẽ có được sơ đồ chi tiết và dùng đúng giải pháp để tiết kiệm năng lượng. Một số giải pháp về năng lượng phổ biến có thể kể đến như:

  • Năng lượng Mặt Trời: lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng để cung cấp điện cho các thiết bị sản xuất, cung cấp hơi nước và nhiệt cho quy trình nhuộm và sấy, áp dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời để chiếu sáng và làm mát trong nhà xưởng. Công nghệ này phù hợp với các doanh nghiệp có diện tích mái nhà lớn và địa điểm có nhiều ánh sáng mặt trời.
  • Năng lượng Gió: các turbine gió có thể được lắp đặt tại khu vực gần nhà máy hoặc trên các toà nhà rộng lớn mà doanh nghiệp sở hữu, đây là một lựa chọn tối ưu cho các khu vực có tốc độ gió cao và ổn định.
  • Năng lượng sinh học: Sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất để tạo ra năng lượng qua quá trình phân hủy sinh học không chỉ giúp tái chế chất thải mà còn cung cấp năng lượng cho chính nhà máy.
  • Hệ thống thu hồi nhiệt: Tái sử dụng nhiệt thải từ các quá trình sản xuất để sinh nhiệt hoặc điện là một giải pháp hiệu quả để tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và giảm chi phí.

Lý tưởng nhất vẫn là giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời do Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời lớn, trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày.

Ứng dụng năng lượng mặt trời cho ngành dệt may tại Việt nam
Ảnh 01: Ứng dụng năng lượng mặt trời cho ngành dệt may tại Việt nam

Mô hình điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy dệt may Thành Công, đặt tại KCN Phú Hoà tỉnh Vĩnh Long đã giúp tạo ra khoảng 48,5 triệu kWh điện, đáp ứng 66% nhu cầu điện sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tiết kiệm được 1,9 triệu USD chi phí mua điện, cắt giảm 19.342 tấn than, cùng với đó, hệ thống cũng giúp giảm 44.281 tấn CO2, tương đương với việc trồng hơn 2,6 triệu cây xanh.

Hệ thống điện mặt trời của May Sài Gòn 3 được triển khai với quy mô lớn và công nghệ tiên tiến, bao gồm việc sử dụng 2.820 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao. Việc tự đầu tư vào hệ thống điện mặt trời giúp May Sài Gòn 3 không những giúp công ty tiết kiệm chi phí điện năng trong dài hạn, giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường mà còn nâng cao uy tín và hình ảnh của công ty trong mắt đối tác và khách hàng.

2. Chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi năng lượng

Để quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo được thuận lợi, các doanh nghiệp phải có một bức tranh rõ ràng về tộng lượng năng lượng mà doanh nghiệp đang sử dụng cũng như dự đoán nhu cầu tăng trưởng trong tương lai.

Việc đầu tư ban đầu cho các giải pháp năng lượng tái tạo có thể cao, nhưng cần được cân nhắc kỹ lưỡng với các lợi ích lâu dài về mặt chi phí năng lượng và ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Sri Desikanathar Textiles, một nhà sản xuất dệt may lớn tại Tamil Nadu, Ấn Độ đã sản xuất 2,7 triệu kWh điện nhờ vào hệ thống năng lượng mặt trời và giảm 1.800 tấn khí CO2 mỗi năm. Hệ thống này cũng giúp giảm đáng kể hóa đơn tiền điện của nhà máy (một trong những chi phí vận hành lớn nhất) giảm sự phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, đảm bảo ổn định trong sản xuất ngay cả khi có sự cố về điện. Khoản chi phí đầu tư ban đầu cũng được hoàn lại chỉ trong vài năm nhờ vào các khoản tiết kiệm từ hóa đơn điện.

Áp dụng năng lượng mặt trời trong ngành sản xuất
Ảnh minh họa 02: Áp dụng năng lượng mặt trời trong ngành sản xuất

Để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, doanh nghiệp nên thiết lập hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, bao gồm việc theo dõi và phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng, điều chỉnh hoạt động sản xuất sao cho phù hợp với khả năng cung cấp năng lượng từ hệ thống điện mặt trời. Doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng các hệ thống thông minh như EMS (Energy Management System), BEMS (Building Energy Management System) giúp giám sát, điều khiển, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tại nhà máy.

Giải pháp giám sát và phân tích dữ liệu năng lượng cũng là khoản đầu tư giá trị. Các công cụ phân tích dữ liệu năng lượng, IoT (Internet of Things) cho phép theo dõi, đo lường chính xác mức tiêu thụ năng lượng, từ đó đề xuất các biện pháp cải thiện. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng tới công tác đào tạo và phát triển kỹ năng cho đội ngũ nhằm đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống năng lượng mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu kỹ thông tin về các chính sách ưu đãi của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi năng lượng, bao gồm các đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thủ tục hành chính để sớm tiếp cận được nguồn tài chính “xanh” để giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu tư ban đầu. Một số nghị định, chính sách ưu đãi của chính phủ cho việc chuyển đổi năng lượng có thể kể đến như:

  • Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển điện mặt trời: Quy định về vay vốn ưu đãi, trợ giá, mua điện giá cao cho các dự án điện mặt trời.
  • Quyết định số 142/2020/QĐ-TTg về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao: Hỗ trợ vay vốn, bảo lãnh tín dụng cho các dự án ứng dụng công nghệ cao vào sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo.
  • Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường năng lượng hiệu quả giai đoạn 2021 – 2025: Hỗ trợ vay vốn, tư vấn, đào tạo, truyền thông cho doanh nghiệp áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo.

Việc chuyển đổi năng lượng trong ngành dệt may không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là một nhiệm vụ cấp bách. Ngành dệt may, với mức tiêu thụ năng lượng lớn và sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, đứng trước thách thức và cơ hội lớn trong việc giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện hiệu quả kinh tế. Việc áp dụng năng lượng mặt trời áp mái mang lại nhiều lợi ích vượt trội, bao gồm giảm chi phí vận hành, nâng cao tính bền vữngtăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Các doanh nghiệp dệt may cần chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi này để không chỉ mang lại lợi ích cho chính mình mà còn đóng góp tích cực vào cộng đồng và môi trường. Việc triển khai năng lượng tái tạo không chỉ là một chiến lược kinh doanh thông minh mà còn là một cam kết mạnh mẽ với trách nhiệm xã hội và môi trường.

 

Nguồn:

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 1) 02. Lan tỏa xu hướng Chuyển đổi xanh đến ngành sản xuất bao bì 03. Ứng dụng Công nghệ thông tin xanh cho tương lai bền vững của doanh nghiệp 04. Khu đô thị xanh: Từ nhu cầu tới lời giải thực tiễn
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT.