Doanh nghiệp Việt bước vào cuộc đua Net Zero năm 2050

Doanh nghiệp Việt bước vào cuộc đua Net Zero năm 2050

Những thách thức về biến đổi khí hậu đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với trách nhiệm môi trường của mọi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó. Cùng với doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời tạo ra giá trị kinh tế. Cuộc đua Net Zero không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững và hòa nhập vào xu hướng toàn cầu của môi trường kinh doanh xanh.

1. Cuộc đua Net Zero của doanh nghiệp Việt Nam

Năm 2023, 140 quốc gia trên thế giới đã đặt mục tiêu Net Zero, tức đạt mức phát thải ròng bằng 0. Nói cách khác, doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu khí thải, có nghĩa vụ và trách nhiệm hấp thụ lại tương đương con số đó. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng cần thiết để ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách toàn cầu, gây ra bởi sự gia tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển. Net zero là một mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Các khí nhà kính này, bao gồm carbon dioxide, methane và nitrous oxide, giữ nhiệt trong khí quyển, dẫn đến nhiệt độ Trái đất tăng lên.

Net Zero
Hình 1: Thời gian cam kết Net-Zero của các quốc gia trên thế giới

Hầu hết các quốc gia đều đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, một số quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, cần nhiều thời gian hơn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Họ đã đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2060 hoặc 2070. Việt Nam hiện đang là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, với lượng phát thải khí CO2 tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

Hình 2: Thời gian mục tiêu Net-Zero của các quốc gia trên thế giới

2. Hành động của chính phủ Việt Nam

Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ môi trường. Trong 5 năm trở lại đây, ngân sách nhà nước dành cho môi trường luôn đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là một khoản đầu tư lớn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, với những thách thức ngày càng lớn, nguồn lực công vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực công, Chính phủ đang tích cực huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển Thị trường tài chính xanhThị trường carbon là những giải pháp trọng tâm.

  • Thị trường tài chính xanh là thị trường cung cấp các sản phẩm tài chính nhằm huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường. Đây là một cấu phần quan trọng, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của một quốc gia. Bởi vậy, trong thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh. Cụ thể, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Đến ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
  • Thị trường carbon là thị trường mua bán, trao đổi quyền phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon sẽ là chìa khóa để thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cho phép. Đó là lý do tại sao trên khắp thế giới, sự quan tâm đến thị trường carbon ngày càng tăng – 83% NDC nêu rõ ý định sử dụng các cơ chế thị trường quốc tế để giảm phát thải khí nhà kính.

Sự phát triển của hai thị trường này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030 để đảm bảo giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết tại COP 26 về trung hòa carbon (hay còn gọi là Net-Zero). Với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững. Là nước đang phát triển, Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là “không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá”.

Hình 3: Các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới cam kết bền vững

Trong 1 năm vừa qua, Việt Nam đã quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế chính sách – một trong bước đầu tiên quan trọng nhất trong việc triển khai cam kết bao gồm:

  • Ban hành Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon;
  • Ban hành Quyết định số 01 phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính;
  • Ban hành Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về những giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu;
  • Ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Ban hành chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Rà soát, cập nhật NDC 2022, trong đó có tính đến cam kết Net Zero của Việt Nam. và một số các văn bản liên quan khác. NDC (National Determined Contribution) là đóng góp do quốc gia tự quyết định. Mức đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Cùng với đó, Bộ TNMT cũng đã có những chương trình tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho nhiều tầng lớp, đối tượng người dân để tăng cường hiểu về vấn BĐKH và về những cam kết của Việt Nam tại COP26. Công tác tuyên truyền, tập huấn sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới. Đây là những hoạt động và những kết quả rất đáng ghi nhận của Việt Nam chỉ sau 1 năm kể từ khi cam kết tại COP26.

Như vậy, về mặt cơ chế chính sách chúng ta đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý giúp triển khai thuận lợi cam kết của mình.

3. Doanh nghiệp cần quan tâm đến quy định mới nào?

Việt Nam đã tập trung vào việc cải thiện cơ chế chính sách để thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Chính phủ đã phát hành các quy định quan trọng như:

Hình 3: Các quy định quan trọng của chính phủ để thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050
  • Nghị định 06 về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone quy định đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và theo lộ trình; cạnh đó, Nghị định còn quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
  • Quyết định số Số: 01/2022/QĐ-TTg về danh mục cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính thuộc các linh vực Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài Nguyên môi trường.
  • Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu. Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia quy định các nội dung và chỉ số giám sát, đánh giá; trách nhiệm thực hiện; cơ sở dữ liệu giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý.
  • Quyết định số 888/QĐ-TTg đã phê duyệt Đề án triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể của Đề án là hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển carbon thấp, giảm phát thải; Rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn dầu tư, phát triển carbon thấp của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đàu tư vào Việt Nam thông qua đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thông qua Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030 và chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Việc rà soát và cập nhật NDC 2022, trong đó tính đến cam kết Net Zero, là một phần quan trọng của những nỗ lực này. Các văn bản liên quan khác cũng được ban hành để đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện cam kết của Việt Nam về môi trường và biến đổi khí hậu.

4. Doanh nghiệp cần chuẩn bị để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) 2050

Trong việc thực hiện các quy định về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ông Hà Quang Anh, người đại diện của tổ chức, doanh nghiệp, nhấn mạnh đến trách nhiệm của DN. Ông chia sẻ rằng để hiện thực hóa những yêu cầu này, DN cần có nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu Net Zero.

Ông Hà Quang Anh cũng nhấn mạnh việc chuẩn bị nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học – công nghệ, kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển carbon thấp. Điều này được coi là bước quan trọng và thiết thực để đáp ứng các yêu cầu thực tế trong tương lai.

DN có thể chuyển đổi nhận thức thành hành động cụ thể, lấy ví dụ từ những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã sớm nhận thức và xây dựng chiến lược giảm phát thải và trung hòa carbon. Đồng thời, DN cần lập kế hoạch nguồn lực để kiểm kê khí nhà kính, đề xuất và quản lý các hoạt động giảm nhẹ.

Như vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng nghiên cứu về tác động của lượng phát thải do hoạt động kinh doanh sản xuất của mình tạo ra. Sau khi nhận thức được mức độ tác động, doanh nghiệp có thể nhanh chóng lên chiến lược hành động từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, để lại ấn tượng tốt đối với nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.

Tại FPT Green Transformation, chúng tôi có đội ngũ các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, sẵn sàng hỗ trợ giúp quý doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp, đổi mới, dẫn đầu và phát triển bền vững.

Nghiên cứu nổi bật
01. Tăng tốc chuyển đổi xanh bằng các giải pháp số 02. Tín chỉ Carbon với doanh nghiệp – tầm quan trọng và & những lưu ý 03. Khu công nghiệp sinh thái: Định hướng đến bức tranh tương lai xanh và bền vững (Kỳ 02) 04. Chuyển đổi Xanh hướng tới ngành chăn nuôi bền vững
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT.