Chuyển đổi Xanh hướng tới ngành chăn nuôi bền vững

Chuyển đổi Xanh hướng tới ngành chăn nuôi bền vững

Ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung luôn đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và là một trụ cột của mọi nền kinh tế. Nhưng đây cũng là một ngành đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và xã hội. Trong xu hướng chuyển dịch chuyển đổi xanh, bài viết này thảo luận về các cơ hội, thách thức cũng như một số hình mẫu để giải quyết những vấn đề này nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Trong đó, các điểm nóng phát thải khí nhà kính cũng như các cơ hội cải thiện cần được xác định xuyên suốt chuỗi giá trị ngành chăn nuôi. Ba vấn đề chính của ngành chăn nuôi – phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường, và sử dụng tài nguyên thiên nhiên – sẽ được thảo luận chi tiết, cùng với các giải pháp hiệu quả cho từng vấn đề. Bài viết cũng giới thiệu những điển hình đang áp dụng các giải pháp chuyển đổi xanh, như Vinamilk, JBS, và The Australian Agricultural Company Limited.

1. Chuỗi giá trị ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và góp phần lớn trong việc phát thải khí nhà kính toàn cầu. Khí nhà kính đáng chú ý nhất phát sinh từ lĩnh vực chăn nuôi bao gồm khí metan và oxit nito. Khí metan chủ yếu được tạo ra từ quá trình lên men đường ruột (enteric fermentation) và lưu trữ, xử lý phân động vật, gây hiệu ứng nhà kính gấphơn 28 lần so với cacbon dioxit (khí CO2). Oxit nito, phát sinh từ việc lưu trữ phân bón và sử dụng phân bón hữu cơ/vô cơ, gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu cao hơn 265 lần so với Carbon Dioxit.

Từ trang trại đến bàn ăn, các hoạt động liên quan đến chăn nuôi diễn ra theo một chuỗi phức tạp và đa chiều, với những rủi ro và cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu Bắt đầu từ việc chuẩn bị đất và nguyên liệu chăn nuôi, đến quá trình nuôi dưỡng gia súc gia cầm, cho đến khi vận chuyển chúng đến lò mổ để chế biến.. Tiếp đó,, một số thành phẩm được đóng gói bao bì nhằm bảo quản khi vận chuyển. Các bên phân phối sau đó chuyển tiếp hàng hóa qua các mạng lưới bán buôn và bán lẻ đến nơi tiêu thụ. Cuối cùng, người tiêu dùng mua các sản phẩm để chế biến tại nhà hoặc tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, khép lại vòng lặp từ trang trại đến bàn ăn.

Chuỗi giá trị ngành chăn nuôi
Hình 01: Chuỗi giá trị ngành chăn nuôi

Trong hoạt động chăn nuôi, 2.8 giga tấn CO2, tương đương, hay 39% lượng khí nhà kính phát thải từ ngành chăn nuôi có nguồn gốc từ quá trình lên men đường ruột (enteric fermentation). Đây là một quá trình tiêu hóa tự nhiên diễn ra trong dạ cỏ của động vật nhai lại (như trâu, bò, dê,…), nơi vi khuẩn, động vật nguyên sinh và nấm lên men và phân hủy thực vật. Đặc điểm của quá trình nhai lại tạo ra môi trường lên men nơi sản sinh ra khí metan thải từ động vật vào môi trường. Lượng khí metan thải ra phụ thuộc vào lượng thức ăn của động vật và khả năng tiêu hóa của thức ăn đó.

Bên cạnh khí nhà kính phát sinh từ quá trình lên men đường ruột và phân động vật, việc sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng là một “điểm nóng” tạo ra đáng kể lượng khí thải cacbon dioxit và oxit nito. Khí thải cacbon dioxit xuất phát sinh từ rất nhiều hoạt động liên quan tới quá trình trồng trọt, chế biến các thức săn cho chăn nuôi, có thể kể đến như:

  • Thay đổi mục đích sử dụng đất: Chuyển đổi rừng, đồng cỏ hoặc các hệ sinh thái tự nhiên khác thành đất nông nghiệp để trồng thức ăn chăn nuôi
  • Sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu: Quá trình sản xuất hóa chất, chất phụ gia đồng thời ứng dụng trong canh tác
  • Sử dụng phân chuồng và bón đất: Phân thải của gia súc và bón phân cho đất trồng thức ăn
  • Hoạt động nông nghiệp: Sử dụng máy móc nông nghiệp chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, tưới tiêu, và các hoạt động khác
  • Chế biến thức ăn: Sấy khô, xay nghiền, và các công đoạn chế biến thức ăn dành cho gia súc và gia cầm
  • Vận chuyển thức ăn: Di chuyển thức ăn từ nơi sản xuất đến trang trại chăn nuôi

2. Các thách thức, vấn đề chính của Chuyển đổi xanh ngành chăn nuôi

Trong quá trình chuyển đổi xanh, xử lý các chất thải từ xuyên suốt chuỗi giá trị ngành chăn nuôi là vấn đề nhức nhối bởi những tác động rất lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các chất thải này được phân loại thành 3 nhóm chính là Kkhí thải, Cchất thải rắn và Nnước thải.

2.1. Khí thải bắt nguồn từ hoạt động chăn nuôi gây ra khủng hoảng về khí hậu và hiệu ứng nhà kính

Khí metan và oxit nitơ sản sinh từ quá trình chăn nuôi tác động xấu tới sức khỏe con người, gây mưa axit và, ô nhiễm môi trường. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) năm 2018 báo cáo rằng hoạt động chăn nuôi tạo ra 37% tổng lượng khí metan và 65% tổng lượng khí oxit nitơ trên toàn cầu, gây ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với môi trường sống chung.

Một nghiên cứu của Greenpeace năm 2020 tiết lộ ngành chăn nuôi tại Châu Âu đang đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào lượng phát thải khí carbon dioxit nhiều hơn so với tất cả các phương tiện giao thông vận tải hoạt động tại EU. Hoạt động chăn nuôi đóng góp 9% tổng lượng carbon dioxit phát thải trên toàn cầu, là loại khí nhà kính có tác động lớn nhất. Ngoài ra, ngành chăn nuôi còn góp phần đáng kể vào sự gia tăng của khí oxit nitơ và metan, với khả năng hấp thụ nhiệt lần lượt gấp 296 và 23 lần so với Carbon Dioxide. là nguyên nhân dẫn tới sự nóng lên toàn cầu và gây biến đổi khí hậu.

Ngành chăn nuôi phát thải lượng khí nhà kính lớn
Hình 02: Ngành chăn nuôi phát thải lượng khí nhà kính lớn

2.2. Nước thải trong chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước ngọt và gây ra các bệnh truyền nhiễm

Nước thải từ các trang trại chăn nuôi đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, khi nhu cầu sử dụng nước trong quá trình chăm sóc gia súc và vệ sinh chuồng trại tăng cao. Cục Chăn nuôi Việt Nam báo cáo rằng hoạt động chăn nuôi hiện đang xả 304 triệu m3 nước thải, gấp gần 6 lần so với lượng nước thải mà sông Tô Lịch đang hứng chịu hàng năm. Đặc biệt, nước thải chăn nuôi chứa đựng hàm lượng lớn các chất hữu cơ với độ ô nhiễm cao. cũng như một lượng đáng kể các vi sinh vật gây bệnh đường tiêu hóa, tả, thương hàn và kiết lỵ. Nếu không được xử lý đúng, lượng nước thải này có thể gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của con người.

2.3. Chất thải rắn gây ra thách thức ô nhiễm môi trường, nguồn nước và dịch bệnh

Chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi bao gồm phân, thức ăn thừa, các chất còn lại sau quá trình chăm sóc động vật,… đang gây ra vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Dữ liệu từ Cục Chăn Nuôi Việt Nam chỉ ra rằng mỗi năm, ngành chăn nuôi tạo ra khoảng 74 triệu tấn chất thải, nhưng chỉ có khoảng 20% được xử lý hoặc tái sử dụng. Chất thải rắn này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng nước mà còn gây tổn thương đáng kể đến hệ sinh thái và môi trường công cộng. Nếu không được xử lý đúng cách, chất thải từ chăn nuôi có thể gây ô nhiễm nước, tác động tiêu cực đến nguồn nước ngọt đang khan hiếm. Hàm lượng độc tố trong chất thải còn ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ngoài ra, sự tiếp xúc với chất thải, xác gia súc bị chết do dịch bệnh có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm cho động vật hay chính con người.

Báo cáo hoạt động phát thải từ Cục chăn nuôi Việt nam
Hình 03: Báo cáo hoạt động phát thải từ Cục chăn nuôi Việt nam

3. Hướng chuyển dịch cho ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi đang gây ra nhiều thách thức về môi trường, bao gồm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả. Chuyển đổi xanh trong ngành chăn nuôi là một giải pháp cấp bách để giải quyết những vấn đề này và đảm bảo sự phát triển bền vững. Một số hướng chuyển dịch cho ngành chăn nuôi có thể kể đến như:

3.1. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính

  • Giảm lãng phí thức ăn, sử dụng các nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc bền vững, ví dụ như phụ phẩm nông nghiệp. Cách làm này giúp giảm lượng tiêu thụ và nhu cầu cho thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm lượng khí nhà kính phát thải tại thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi.
  • Hỗ trợ nghiên cứu và áp dụng các công nghệ giảm khí thải metan từ gia súc, ví dụ như sử dụng thức ăn bổ sung có tác dụng giảm khí thải, hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học để ức chế vi sinh vật sản sinh khí metan trong dạ dày bò.
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng: Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió; áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và chế biến.
  • Quản lý chất thải hiệu quả: Sử dụng các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, ví dụ như hệ thống biogas để chuyển hóa chất thải thành năng lượng; tái sử dụng chất thải làm phân bón hữu cơ. Áp dụng các hệ thống thu hồi và tái sử dụng nước trong sản xuất và chế biến.

3.2. Nâng cao hiệu quả sản xuất

  • Áp dụng các giống vật nuôi có năng suất cao: Sử dụng các giống vật nuôi có khả năng chuyển hóa thức ăn tốt, ít phát thải khí nhà kính.
  • Cải thiện kỹ thuật chăn nuôi: Áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, ví dụ như sử dụng hệ thống quản lý đàn tự động, sử dụng các công nghệ chăn nuôi thông minh.
  • Nâng cao chất lượng sản phẩm: Đảm bảo sản phẩm chăn nuôi an toàn, vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng.

3.3. Phát triển chuỗi giá trị bền vững:

  • Hợp tác với các bên liên quan: Hợp tác với các nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng để xây dựng chuỗi giá trị bền vững.
  • Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo hướng xanh.
  • Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng: Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của sản phẩm chăn nuôi xanh và khuyến khích họ sử dụng sản phẩm này.

4. Các bài học kinh nghiệm về chuyển đổi xanh ngành chăn nuôi

4.1. Vinamilk hướng đến Net Zero

Vinamilk thúc đẩy chương trình hành động Net Zero, không chỉ lấy trọng tâm trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến thế giới mà còn mở rộng những mô hình sáng tạo, đổi mới, sáng kiến bền vững của chính các CBNV. Một trong những sáng kiến nổi bật là sử dụng biogas, năng lượng sạch được tạo ra từ chất thải bò, giúp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, chuyển hóa chất thải thành các tài nguyên như: phân bón hữu cơ cho đồng cỏ, khí metan để thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ làm thức ăn cho đàn bò.

Cải tiến này không chỉ giúp đơn vị gia tăng năng suất mà còn tận dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng xanh, từ đó, hạn chế phát thải khí nhà kính, được triển khai đồng bộ cho tất cả trang trại trong hệ thống. Ở nhà máy, các đơn vị đã nghiên cứu và thiết kế hoàn thiện hệ thống thu hồi nước giải nhiệt và tái sử dụng giúp tiết kiệm tới 91.250 m3 nước trong năm 2022. Hiện nay, 100% các trang trại chăn nuôi Green Farm của Vinamilk sử dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời) trong sản xuất. Các nhà máy đang áp dụng công nghệ carbon nguyên tử hữu cơ làm giảm phát thải khí methane và mùi trong chăn nuôi. Công nghệ này dựa trên việc sử dụng các chất hữu cơ có chứa carbon nguyên tử, như đường, bột mì, hoặc bã mía, để phun lên chất thải của bò, kích hoạt các vi sinh vật có lợi, giúp phân hủy chất thải một cách nhanh chóng và hiệu quả.

1 số thành tựu trong chuyển đổi xanh chăn nuôi của Vinamilk
Hình 04: 1 số thành tựu trong chuyển đổi xanh chăn nuôi của Vinamilk

4.2. JBS xây dựng nền tảng chăn nuôi minh bạch

JBS là một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Brazil, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, và thịt gia cầm. JBS có hơn 250 nhà máy và trang trại trên toàn thế giới, với hơn 240.000 nhân viên. JBS hoạt động trên tất cả các thị trường tiêu dùng, và là nhà xuất khẩu thịt động vật lớn nhất thế giới, bán hàng tới hơn 150 quốc gia.

Tập đoàn đa quốc gia JBS
Hình 05: Tập đoàn đa quốc gia JBS

JBS đã phát triển một nNền tảng chăn nuôi minh bạch, một công cụ mạnh mẽ và an toàn dựa trên công nghệ blockchain, giúp mở rộng giám sát để nắm bắt các nhà cung cấp trong chuỗi giá trị. Bằng cách tự nguyện đăng ký vào Nền tảng, các nhà cung cấp bò thịt cho JBS sẽ liệt kê các hoạt động đầu vào của họ nhằm kiểm soát mức độ bền vững của hoạt động sản xuất. Dữ liệu được gửi tới Agri Trace Rastreabilidade Animal, một hệ thống của Liên đoàn Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (CNA), để phân tích và xác thực. Hệ thống sẽ kiểm tra hàng loạt yếu tố của các trang trại chăn nuôi, ví dụ như có nằm trong khu vực bị phá rừng, trên đất bản địa hoặc các đơn vị bảo tồn môi trường hay không; có sử sử dụng lao động cưỡng bức hay cấm vận về môi trường hay không…

Hiện việc giám sát được thực hiện hàng ngày 100% với khoảng 78.000 nhà cung cấp đã đăng ký, phân bố trên diện tích 920.000 km2 trên khắp Brazil – tương đương gấp ba lần diện tích của Ý. Khi xác định các trang trại không tuân thủ một hoặc nhiều tiêu chí môi trường xã hội đã thiết lập, hệ thống sẽ tự động chặn đăng ký và không cho phép giao dịch với JBS. Kể từ khi triển khai, hệ thống này đã chặn hơn 12.000 trang trại ở Brazil.

4.3. The Australian Agricultural Company Limited nghiên cứu nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Được thành lập vào năm 1824, The Australian Agricultural Company Limited (AACo) là một trong những nhà sản xuất bò và thịt bò tổng hợp lớn nhất của Úc, sở hữu và vận hành cơ sở chăn nuôi và trang trại trải dài khoảng 6,5 triệu ha đất trên khắp Queensland và phía Bắc nước Úc. Lượng khí thải metan qua đường ruột từ hoạt động chăn nuôi bò chiếm hơn 80% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính Phạm vi 1 & 2 của AACo. Vì vậy, AACo đã cam kết tham gia tài trợ hai chương trình nghiên cứu nhằm giảm phát thải khí metan qua đường ruột của động vật nhai lại, thu thập dữ liệu về tác động của khí thải và hiệu quả từ việc sử dụng các công nghệ phát thải thấp.

The Australian Agricultural Company Limited
Hình 05: The Australian Agricultural Company Limited

AACo tâp trung tối đa hóa hiệu quả thức ăn chăn nuôi, giảm chất thải bằng việc tối ưu hóa đầu vào trong chăn nuôi bao gồm thức ăn chăn nuôi và thức ăn gia súc. Hệ thống được kiểm soát chặt chẽ, các khay thức ăn được kiểm tra hàng ngày để đánh giá lượng thức ăn được tiêu thụ và lượng thức ăn còn lại trong mỗi khay. Để tối ưu hóa năng suất và hạn chế lãng phí thức ăn, nhóm của AACo sử dụng thông tin từ việc đánh giá để lập kế hoạch khẩu phần thức ăn hàng ngày cho mỗi chuồng.

AACo cũng đầu tư trồng các loại cây để sử dụng trong khu chăn nuôi, đặt mục tiêu 35% khẩu phần thức ăn hàng năm có nguồn gốc từ hoạt động chăn nuôi. Điều này cho phép AACo quản lý chiến lược chi phí đầu vào và giảm lượng khí thải nhà kính liên quan đến giao thông vận tải của thức ăn chăn nuôi. AACo đã triển khai chương trình quản lý chất thải chăn nuôi để tận dụng các chất dinh dưỡng này và đảm bảo hạn chế chất thải thông qua việc tái sử dụng các sản phẩm phụ. Chất thải bò được tăng cường bằng công thức vi sinh vật, được sử dụng làm phân bón cho trang trại liền kề. Điều này làm giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào các loại phân bón tổng hợp như urê, dẫn đến giảm chi phí đầu vào phân bón và cải thiện chất lượng đất. Đồng thời dẫn đến việc giảm phát thải khí nhà kính ở thượng nguồn vốn có liên quan đến việc sản xuất phân bón tổng hợp.

Chuyển đổi xanh trong ngành chăn nuôi là một quá trình cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, người chăn nuôi và người tiêu dùng. Bằng cách áp dụng các phương hướng chuyển đổi xanh, ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Reference:

FPT Digital. 2024. Chuyển đổi Xanh hướng tới ngành chăn nuôi bền vững

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số hỗ trợ chuyển đổi xanh trong lĩnh vực sản xuất điện 02. Tối ưu lập kế hoạch trồng trọt cho 3 miền hướng tới nông nghiệp bền vững 03. Tiềm năng phát triển nền kinh tế Hydrogen xanh (Green Hydrogen) 04. Lợi ích từ xếp hạng ESG (ESG Rating) và lộ trình nâng cao ESG Rating trong doanh nghiệp
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT.