Trong những năm gần đây, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi kết hợp với các xu thế phát triển công nghiệp hóa 4.0, nhiều thành phố trên thế giới và tại Việt Nam đã lựa chọn hướng phát triển kết hợp với các công nghệ đột phá để chuyển dịch từ các mô hình khu công nghiệp truyền thống sang các khu công nghiệp sinh thái (Eco Industrial Park – EIP). Cách tiếp cận này hướng đến viễn cảnh về một tương lai mới nơi các nhà máy hoạt động với hiệu suất cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi vẫn đảm bảo được các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững của hệ sinh thái.
1.Giới thiệu về khái niệm bất động sản khu công nghiệp sinh thái
Khu công nghiệp sinh thái được xây dựng dựa trên cơ sở của cộng đồng các doanh nghiệp ưu tiên các mục tiêu hiệu quả về môi trường, kinh tế và xã hội thông qua các hoạt động hợp tác trong việc quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên. Cộng sinh công nghiệp (Industrial Symbosis) là nguyên tắc cốt lõi đối với việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp sinh thái và là phương tiện giúp các đơn vị sản xuất đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua trao đổi xung quanh nền kinh tế tuần hoàn, hạn chế các lãng phí cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường liên quan đến kiểm soát nguồn nguyên liệu, giám sát mức năng lượng tiêu thụ, chất lượng nước và phụ phẩm, phế thải, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững.
Bên cạnh đó, EIP còn được xây dựng với mục tiêu trở thành các hệ sinh thái doanh nghiệp với định hướng phát triển cụ thể, xây dựng dựa trên mô hình tiêu chuẩn và gắn kết bởi một cam kết chung về tính bền vững. Mô hình này được hình thành từ nhiều cấu phần chính:
- Cơ sở hạ tầng và dịch vụ chung: Tính hiệu quả là một nguyên tắc quan trọng được lồng ghép vào thiết kế cốt lõi của các khu vực công nghiệp sinh thái, trong đó các cơ sở hạ tầng dùng chung như nhà máy xử lý nước thải, lưới điện và trung tâm hậu cần, v.v giúp tối ưu hóa các chi phí cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái và đảm bảo chất lượng đồng bộ được kiểm soát bởi đơn vị trung lập.
- Thiết kế và công nghệ bền vững: Phương thức xây dựng xanh và công nghệ sản xuất sạch được sử dụng như một tiêu chuẩn quan trọng trong việc lựa chọn các đơn vị tham gia khu công nghiệp sinh thái và được ứng dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp. Các hệ thống kiểm soát khí thải tiên tiến, công nghệ xử lý nước mưa, nước thải giúp đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất ngay từ khâu thiết kế đến triển khai của khu công nghiệp sinh thái
- Quản lý chuyên trách: Đội ngũ quản lý chuyên trách của các khu công nghiệp sinh thái đóng vai trò người điều phối, đảm bảo sự phối hợp cộng tác suôn sẻ dựa trên các công nghệ vận hành và quản trị tập trung trên môi trường số kết hợp cùng cơ sở dữ liệu truy xuất thời gian thực đảm bảo các mục tiêu bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, giám sát hiệu suất phát thải môi trường, thực hiện các quy định và cung cấp hỗ trợ cho các nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng các tiêu chuẩn kiến thức trong khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, việc cung cấp khả năng đáp ứng phối hợp với các cơ quan chức năng phụ trách trách kiểm soát và giám sát thông tin cũng được cân nhắc giúp giảm thiểu báo cáo của doanh nghiệp
2. Các tiêu chí quan trọng trong việc triển khai các xây dựng khu công nghiệp sinh thái
Để thành công trong việc triển khai các xây dựng khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp cần xác định một số tiêu chí quan trọng để tạo thành bức tranh phát triển bền vững của khu công nghiệp sinh thái. Việc này có thể được thực hiện thông qua các hoạt động đánh giá mức độ khả thi (Feasibility Study) để đưa ra quyết định đầu tư phát triển hiệu quả:
- Lựa chọn địa điểm và quy hoạch tổng thể: Việc lựa chọn địa điểm EIP cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tác động môi trường, sự gần gũi với tài nguyên và cơ sở hạ tầng hiện tại của khu vực triển khai cũng như các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, cần xác định các hình thái tương lai dựa trên quy hoạch tổng thể hướng dẫn phát triển các khu vực lân cận, giúp thúc đẩy sử dụng đất hiệu quả và chia sẻ tài nguyên.
- Cộng sinh công nghiệp: Như đã đề cập trước đó, đây là khái niệm cốt lõi này tạo nên sự khác biệt thực sư của các EIP. Mục tiêu của EIP là tạo ra các hệ thống sử dụng tài nguyên khép kín và giảm thiểu mức tiêu thụ chung của các nhà máy thành viên. Do đó, việc xác định được phương thức phối hợp giữa các đơn vị tham gia hệ sinh thái khu công nghiệp sinh thái cần được lên kế hoạch cụ thể, phân chia thành từng giai đoạn phát triển đảm bảo mức độ hiệu quả của từng đơn vị
- Thiết kế và công nghệ xây dựng: Các tòa nhà EIP đều được thiết kế và xây dựng dựa trên các công nghệ xanh và sạch hơn. Từ hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng đến thiết bị tiết kiệm nước, hay các các cơ sở hạ tầng chung như nhà máy xử lý nước thải, lưới điện và hệ thống quản lý chất thải, mỗi yếu tố đều góp phần bảo tồn tài nguyên và nâng cao hiệu quả sử dụng. Cần xác định sớm các yếu tố cần thiết để đưa ra bản thiết kế đồng bộ và phương án thi công hiệu quả, đảm bảo đáp ứng các công nghệ xây dựng với chi phí phù hợp cho các bên đầu tư
- Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (Resource efficiency and Cleaner production – RECP): Giảm thiểu tạo ra chất thải, lựa chọn vật liệu ít nguy hại hơn, giảm bớt các vật liệu không thân thiện với môi trường và tiết kiệm, kiểm soát năng lượng tiêu thụ là những điều cơ bản của RECP, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của phát triển khu công nghiệp sinh thái.
- Quản lý chất thải sáng tạo: Chất thải không còn là gánh nặng trong EIP mà trở thành cơ hội sáng tạo và tận dụng để phát triển giữa các đơn vị. Hệ thống phân loại rác tiên tiến, công nghệ tái chế tiên tiến, và các chương trình tái sử dụng vật liệu biến rác thải thành tài nguyên quý giá (ví dụ như các nhà máy điện rác hiện đang được định hướng đầu tư phát triển mạnh trong những năm gần đây)
- Quản lý khu công nghiệp: Đội ngũ quản lý EIP chuyên trách sẽ điều phối đảm bảo, giám sát các chỉ tiêu về môi trường, cũng như hướng dẫn, hỗ trợ các công ty thành viên đạt được và duy trì các mục tiêu bền vững.
- Kiểm soát sự tham gia của các bên liên quan: Đội ngũ quản lý chuyên trách, cộng đồng các doanh nghiệp bên trong và ngoài hệ sinh thái, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ – tất cả đều đóng góp khác nhau vào sự hình thành, kiểm soát và quản trị vận hành khu công nghiệp sinh thái. Việc xác định được rõ các mục tiêu cụ thể với sự tham gia dựa trên các cơ chế chính sách, các nguyên tắc phối hợp đảm bảo tính minh bạch và đặt hiệu quả, nhu cầu và mối quan tâm các bên lên hàng đầu sẽ giúp thúc đẩy tinh thần trách nhiệm chung cho thành công của mô hình phối hợp.
- Giáo dục và đào tạo nhận thức: Khu công nghiệp sinh thái không chỉ là nơi tập trung các hoạt động sản xuất mà còn hướng tới một trung tâm thử nghiệm, đào tạo, huấn luyện giáo dục nhận thức liên quan đến phát triển bền vững và các ảnh hưởng môi trường. Các chương trình tham quan, hội thảo và đào tạo nâng cao nhận thức của công nhân về tầm quan trọng của sản xuất sạch và trách nhiệm môi trường đối với các doanh nghiệp đang chuẩn bị tham gia xu thế. Ngay cả đối với đối tượng học sinh sinh viên từ các trường lân cận có thể tham gia các hoạt động trồng cây, học về tái chế, và hiểu được mối liên hệ giữa hoạt động công nghiệp và thiên nhiên
- Hiệu quả kinh tế: Mặc dù ưu tiên cao nhất của khu công nghiệp sinh thái hướng đến các mục tiêu môi trường và xã hội, mục tiêu về kinh tế cũng là một trong những hoạt động quan trọng cần được xem xét hiệu quả đầu tư nhằm hướng đến thành công trọn vẹn nhất. Việc chia sẻ tài nguyên cũng như cơ sở hạ tầng dùng chung hiệu quả giúp giảm chi phí hoạt động và cải thiện uy tín thương hiệu, gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khu công nghiệp sinh thái mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường. Bằng cách nắm bắt được các định nghĩa, các thành phần cũng như các tiêu chí quan trọng để thành công trong việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, điều này giúp các doanh nghiệp có thể đánh giá cao hơn tiềm năng trong việc góp phần vào một thế giới sạch hơn, lành mạnh hơn và hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai
3. Các use case về bất động sản khu công nghiệp sinh thái trên thế giới
3.1. Kalundborg Symbiosis – Đan mạch
Kalundborg (Đan Mạch) được coi là một ví dụ điển hình khi trở thành biểu tượng của nền kinh tế toàn hoàn trên bản đồ phát triển bền thế giới. Tại đây, khu kinh tế chiến lược – được đặt tên là Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg (Kalundborg Symbiosis) – thành lập từ năm 1972 với mục tiêu tiên phong sự cộng sinh công nghiệp bằng cách tiếp cận sản xuất tuần hoàn. Kalundborg thành công hình thành sự hợp tác giữa 16 các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân (ví dụ như nhà cung cấp hóa chất bền vững Kemira, nhà máy lọc dầu Statoil Refining, nhà máy điện Asnæs, công ty dược phẩm Novo Nordisk…) dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa nguồn tài nguyên nghiêm ngặt và khắt khe. Qua đó, các chế phẩm thừa từ một công ty sẽ trở thành nguồn tài nguyên mới giúp tăng thêm giá trị cho công ty khác nhằm mang lại lợi ích cho cả khía cạnh môi trường lẫn khía cạnh kinh tế. Một số những hoạt động tiêu biểu nhất có thể kể tới như:
- Khu công nghiệp chuyển đổi chất thải (vật liệu, hơi nước, nước thải và bùn thải,…) thành tài nguyên tái chế
- Công ty nhiệt điện cung cấp nhiệt thừa cho các nhà máy
- Chất thải hữu cơ của nhà máy sinh học tạo ra khí sinh học cho nhà máy lọc dầu
- Bùn thực phẩm được đưa đến các hộ nông dân làm phân bón cho cây trồng
- Hơi nước, từ một sản phẩm phẩm phụ của ngành nhiệt điện, trở thành sản phẩm chính mà đem lại thu nhập ổn định.
Hiện nay, Kalundborg Symbiosis có hơn 20 dòng tài nguyên phụ khác nhau được điều phối suôn sẻ giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tạo ra sự cộng sinh trong trao đổi tài nguyên, thúc đẩy các định hướng phát triển mới cũng như lợi nhuận cho các đối tác, đồng thời tạo nên những tác động tích cực tới môi trường:
- Tiết kiệm 24 triệu Euro hàng năm
- Loại bỏ 80% lượng khí thải (635,000 tấn CO2) hàng năm
- Tiết kiệm 3,6 triệu m3 nước
- Tiết kiệm 100 GWh năng lượng
- Tiết kiệm 87,000 vật liệu rắn.
Nỗ lực của Kalundborg trong suốt hơn 50 năm đã không chỉ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cộng đồng địa phương mà còn hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2 vào năm 2030 của Chính phủ, trở thành mô hình tuần hoàn tiêu biểu hàng đầu trên thế giới.
3.2. EcoPark Thanh Đảo Trung – Đức
Ecopark Thanh Đảo Trung-Đức (Sino-German Eco Park) là khu công nghiệp có diện tích quy hoạch là 11,6 km2 và là một phần của Khu Thương mại Tự do Thí điểm Sơn Đông. Dự án đại diện cho sự hợp tác giữa 2 nước Trung-Đức, các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu nhằm thể hiện quyết tâm chuyển đổi công nghiệp và phát triển lối sống xanh – bền vững.
Ecopark Thanh Đảo Trung – Đức có quy mô thiết kế dự kiến dành cho 60.000 người, tỷ lệ lô đất quy hoạch là 0,65, với 45% đất dành cho công nghiệp, 30% dành cho đường giao thông và cây xanh, 25% dành cho nhà ở và cơ sở công cộng. Dự án tập trung vào 04 mục tiêu chính, đó là:
3.2.1. Bảo toàn sự đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên
Tăng cường bảo vệ rừng: Sửa chữa những tài nguyên rừng bị hư hỏng; Thúc đẩy quá trình phục hồi và tái trồng rừng; Tăng mật độ tán câyốc và độ che phủ;…
Tăng cường bảo vệ tài nguyên đất ngập nước: Cải tạo môi trường sinh thái nước; Kiểm soát chất thải và ngăn ngừa sự cố ô nhiễm nước;…
Bảo vệ thực vật bản địa: Ưu tiên sử dụng thực vật bản địa khi phục hồi và xây dựng không gian xanh, đảm bảo tỷ lệ cây xanh cao trong khu vực quy hoạch
Thiết lập mô hình an ninh sinh thái: Cung cấp các chức năng sinh thái, bao gồm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn đất và nước, thúc đẩy sự di cư của các sinh vật nhỏ và cách ly tiếng ồn.
3.2.2. Xây dựng và thúc đẩy thành phố xanh:
Thúc đẩy các tòa nhà năng lượng xanh dựa trên “Tiêu chuẩn toàn cầu về tính bền vững DGNB” (chứng nhận công trình xanh bền vững) : Đảm bảo 100% tòa nhà xanh và 100% công trình xanh; Thúc đẩy mạnh mẽ các tòa nhà tiền chế; Ứng dụng quy mô lớn công nghệ nhà thụ động của Đức;…
Thúc đẩy xây dựng Đô thị bọt biển (Sponge City) và Đô thị xanh: Hoàn thành 300.000 m2 phục hồi và nâng cấp phủ xanh môi trường; Hoàn thành 100.000 mét vuông dự án che phủ đất trống;
Xây dựng đường đô thị có khả năng thấm nước và giảm tiếng ồn đầu tiên trong tỉnh; Thực hiện tái chế tài nguyên nước thông qua việc xử lý nước thải theo mô-đun và sử dụng nước tái chế; Thúc đẩy việc phân loại, tái chế và xử lý rác thải.
Thúc đẩy Giao thông công cộng xanh: Thiết kế sự kết nối liền mạch giữa các phương thức giao thông khác nhau và xây dựng mạnh mẽ hệ thống giao thông thuận tiện đa cấp, ba chiều; Cung cấp bãi đậu xe và cơ sở cho thuê xe đạp, sử dụng hoàn toàn xe buýt năng lượng sạch và đảm bảo rằng hơn 20% chỗ đậu xe trong cộng đồng sẽ được trang bị trạm sạc.
Đổi mới phương thức sử dụng năng lượng: Sử dụng hệ thống lưới năng lượng phân tán khắp nơi để tận dụng tối đa năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; Áp dụng sự kết hợp giữa hệ thống tập trung và hệ thống phân tán, hệ thống hỗn hợp và độc lập để tối ưu hóa thiết kế hệ thống năng lượng từ sản xuất, lưu trữ và vận chuyển năng lượng; Ứng dụng, tái tạo cũng như phân bổ hợp lý các năng lượng và tài nguyên khác nhau, trong đó tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo có thể đạt hơn 33%.
3.2.3. Thiết lập và áp dụng các tiêu chuẩn sinh thái:
Sử dụng 04 hệ thống chỉ báo, bao gồm 16 phân kỳ và 20 chỉ số (Được chứng nhận bởi TÜV NORD – Một trong ba cơ quan chứng nhận hàng đầu ở Đức): Đặt ra giới hạn phát thải carbon cho các hoạt động trước khi được đưa vào thực hiện
Cải thiện khả năng kết nối với các tiêu chuẩn quốc tế: Kịp thời đáp ứng các nhu cầu thực tế, dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực bất động sản – khu công nghiệp xanh.
3.2.4. Quy hoạch và phát triển ngành công nghiệp carbon thấp thông qua cộng tác công nghiệp:
Các ngành công nghiệp xanh: Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, năng lượng xanh, vật liệu thân thiện với môi trường
Các ngành công nghiệp mới nổi: Sản xuất thiết bị cao cấp, ứng dụng năng lượng mới, khoa học và công nghệ kỹ thuật số, hệ thống thông minh và các ngành dịch vụ hiện đại như R&D khoa học công nghệ, quy hoạch và thiết kế, giáo dục và đào tạo, tài chính và điều trị y tế, văn hóa và thể thao.
(*) Đại Đằng Trung Quốc (CDT – China Datang): Doanh nghiệp sản xuất điện nhà nước quy mô lớn tại Trung Quốc
Kể từ khi khởi công, việc tiết kiệm năng lượng tại Ecopark Thanh Đảo Trung Đức đã được thực hiện một cách hiệu quả thông qua công trình xây dựng sinh thái ít carbon. Sau khi hoàn thành hệ thống năng lượng phân tángiảm lượng khí thải carbon 790.500 tấn/năm, với mức sử dụng năng lượng sạch là 84,6%, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo là 20,6%, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng toàn diện là 50,7% và tỷ lệ giảm phát thải carbon là 64,6%.
Ecopark Thanh Đảo Trung-Đức được đánh giá là khu công nghiệp có giá trị đầu tư lớn nhất Trung Quốc vào năm 2019, đạt giải thưởng Công viên Xuất sắc 2022 tại Trung Quốc, cũng như với các danh hiệu, giải thưởng khẳng định vị thế và vai trò của mình trong chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia như: Top 10 khu công nghiệp hàng đầu về xây dựng môi trường kinh doanh quốc tế tại Trung Quốc; Thành phố thí điểm carbon thấp quốc gia; Khu trình diễn quốc gia về sản xuất thông minh; Khu trình diễn tiêu chuẩn hóa toàn diện quốc gia đầu tiên;…
Với những thành tựu to lớn, Ecopark đã được chính phủ Trung Quốc, Đức và mọi tầng lớp xã hội công nhận và đánh giá cao như hình mẫu dẫn đầu cho sự phát triển bền vững của các thành phố tương lai tại không chỉ Trung Quốc mà còn tại các quốc gia khác trên thế giới.