Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 2)

Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 2)

Ở kì trước, chúng ta đã được làm quen với các xu hướng chuyển đổi xanh trên toàn thế giới, cũng như những tác động, lợi ích của các xu hướng này tới các doanh nghiệp sản xuất nhựa. Trong kỳ này, FPT sẽ cung cấp cho quý độc giả thêm góc nhìn về chuyển đổi xanh ngành nhựa qua các case study thành công trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như 1 số phương án tiếp cận chuyển đổi xanh ngành nhựa hiệu quả.

3. Bài học thành công về chuyển đổi xanh ngành nhựa

3.1.CASE STUDY 1: TRINSEO

Trinseo là một công ty đa quốc gia của Mỹ chuyên sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Công ty có trụ sở tại Philadelphia, Pennsylvania và hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên toàn cầu. Từ khi thành lập, Công ty đã có ý thức trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ với việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Đây là một mục tiêu quan trọng đối với Trinseo khi họ hướng đến các sản phẩm có tiềm năng giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất và có khả năng tái sử dụng.

Trong năm 2022, Trinseo đã thực hiện bước quan trọng trong việc chuyển đổi xanh khi đã nỗ lực mua lại Heathland B.V., một đơn vị hàng đầu thu gom và tái chế chất thải nhựa tiêu thụ trước và sau sử dụng (PCR) tại châu Âu. Công ty này tập trung vào chuyển đổi chất thải nhựa PCR polymeethyl methacrylate (PMMA), polycarbonate (PC), acrylonitrile butadiene styrene (ABS), polystyrene (PS) và chất thải nhiệt dạng nhựa khác để sử dụng. Giao dịch này mở rộng khả năng của Trinseo trong việc cung cấp giải pháp nhựa tái chế và cải thiện vòng đời của các sản phẩm.

Tập đoàn Trinseo
Hình 1: Tập đoàn Trinseo

3.1.1.Những hoạt động mà Trinseo đã thực hiện

Trinseo từng bước triển khai nhiều sáng kiến nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030. Một số sáng kiến quan trọng bao gồm:

  • Tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế

Trong năm 2022, nhiều nhà máy của Trinseo đã triển khai các chương trình để giảm chất thải hoặc ngăn chặn sự tạo ra chất thải. Điều này bao gồm tái chế pallet, tối ưu hóa công thức để giảm lượng chất thải latex, tái tạo bể giữ lại, và cải tiến công nghệ loại bỏ chất thải trong quy trình sản xuất. Các cơ sở sản xuất nhựa của Trinseo cũng cam kết giảm lượng viên nhựa và vụn nhựa trong môi trường.

Tại Trinseo, 22% chất thải độc hại được tạo ra trong quá trình sản xuất không được chuyển đến cơ sở xử lý chất thải mà thay vào đó được tái chế thành nhiên liệu hoặc sử dụng lại trong quy trình sản xuất. Tất cả chất thải độc hại đều được xử lý bởi một cơ sở xử lý chất thải có đủ điều kiện theo quy định địa phương;

  • Giảm tiêu thụ năng lượng và nguồn nước trong quá trình sản xuất:

Một trong những mục tiêu vận hành bền vững dài hạn của Công ty vẫn là giảm lượng nước ngọt được công ty sử dụng. Trinseo đã triển khai các chương trình trong năm 2022 nhằm giảm sử dụng nước ngọt, bao gồm tối ưu hóa quá trình xả hơi tại tháp làm mát, cải thiện quá trình xả nước để giảm thiểu lượng nước xả và tăng cường sử dụng nước tái chế trong công thức sản xuất. (Báo cáo chỉ ra được Trinseo đã tiết kiệm 36 triệu gallon nước ngọt mỗi năm, tại nhà máy ở Mỹ).

Trinsei áp dụng một hệ thống quản lý để theo dõi nguồn nước tiêu thụ và điểm thải nước bao gồm cả hệ thống thoát nước bề mặt. Công ty cũng có các quy tắc áp dụng cho chi nhánh toàn cầu liên quan đến cả quy trình xả nước thải, theo đúng Hệ thống Quản lý Responsible Care® của Tổng công ty

Bên cạnh đó, các dự án giảm tiêu thụ năng lượng bao gồm việc nâng cấp đơn vị làm lạnh cơ khí và máy nén khí, cải tiến hệ thống hơi nước để giảm tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng, tối ưu hóa quy trình để giảm tiêu thụ khí tự nhiên và điện, cũng như thay thế đèn bằng đèn LED để giảm tiêu thụ điện.

Trong năm 2022, Trinseo đã mở rộng khả năng sản xuất nhựa acrylic ALTUGLAS. Dòng sản xuất mới này đang đóng góp vào việc đạt được Mục tiêu Bền vững 2030 của Trinseo với mức tiêu thụ nước và điện năng thấp hơn.

  • Phát triển các vật liệu mới từ nguyên liệu và năng lượng tái tạo:

Trinseo đang phát triển các vật liệu mới từ nguyên liệu tái tạo, chẳng hạn như nhựa sinh học mới được sản xuất từ tinh bột ngô và nhựa tái chế nhiệt. Loại nhựa này có thể thay thế nhựa nguyên sinh, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường

Trinseo đang tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm cả việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời và gió mới. Tính đến năm 2023, hơn 30% năng lượng của Trinseo được cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo này

3.1.2.Kết quả mà Trinseo đạt được

Các kết quả chuyển đổi xanh mà tập đoàn sản xuất nhựa Trinseo đã đạt được
Hình 02: Các kết quả chuyển đổi xanh mà tập đoàn sản xuất nhựa Trinseo đã đạt được
  • Những sáng kiến chuyển đổi xanh của Trinseo đang mang lại những lợi ích đáng kể cho môi trường. Theo báo cáo môi trường năm 2023 của Trinseo, công ty đã có những kết quả ấn tượng như sau:
  • Tổng lượng chất thải của Trinseo giảm đi 27% giữa năm 2021 và 2022, chủ yếu là do giảm sản xuất và các hoạt động giảm chất thải như tăng cường tái chế và sử dụng lại vật liệu trong năm.
  • Lượng chất thải đưa vào rác thải giảm 25% từ năm 2021 đến năm 2022 và tổng lượng chất thải đưa vào rác giảm 14% so với năm cơ sở 2017.
  • Lượng tiêu thụ nước đã giảm đi 12% so với năm trước đó. Lượng nước ngọt tiêu thụ giảm đi 10% so với năm trước đó và giảm 21% so với năm cơ sở 2017.
  • Lượng sử dụng điện giảm đi 14% từ năm 2021 đến năm 2022, một phần là do giảm sản xuất và cũng là kết quả của các dự án giảm tiêu thụ năng lượng. Mười ba phần trăm điện mà Trinseo mua và tiêu thụ đến từ nguồn năng lượng tái tạo và 9% được tạo ra từ năng lượng hạt nhân. Nguồn năng lượng tái tạo bao gồm sinh khối, gió, năng lượng mặt trời và thủy điện.

3.2.CASE STUDY 2- NHỰA DUY TÂN

Nhựa Duy Tân là một trong những thương hiệu nhựa hàng đầu Việt Nam với lịch sử hơn 35 năm trong ngành. Trong những năm gần đây, Duy Tân đã tích cực triển khai các hoạt động ESG (Environmental, Social, and Governance) nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một doanh nghiệp bền vững và trách nhiệm với môi trường. Để nỗ lực phát triển bền vững và bảo vệ môi trường xanh, Duy Tân đã đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt như: đảm bảo chỉ số về an toàn vệ sinh môi trường trong nhà máy sản xuất; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái chế; phát triển các sản phẩm chất liệu an toàn và thân thiện với môi trường; tổ chức nhiều hoạt động về môi trường hướng tới cộng đồng, bao gồm:

  • Tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế: Duy Tân đã và đang sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất các sản phẩm của mình. Với công nghệ tái chế chất lượng cao, 10 tháng đầu năm 2023, nhà máy đã thu gom và tái chế 18.200 tấn (tương đương 1,6 tỷ chai). Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia khác.
  • Tăng cường năng lượng tái tạo: Duy Tân đã đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp Duy Tân giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Duy Tân đã lắp đặt 1000 tấm pin năng lượng mặt trời trên các nhà máy, giúp tiết kiệm điện năng và giảm thiểu khí thải nhà kính. Tổng lượng điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời của Duy Tân trong năm 2022 là 1 triệu kWh, tương đương với việc giảm phát thải 2.500 tấn CO2.
  • Năm 2023 cũng là tiền đề triển khai các hoạt động phát triển bền vững theo định hướng ESG của Tập đoàn kể từ khi Duy Tân gia nhập SCGP. Tháng 11/2023, doanh nghiệp chính thức vận hành dự án năng lượng mặt trời tại nhà máy Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 2 của Duy Tân triển khai dự án, với tổng diện tích mái 16.000 m2, công suất 2MWp, dự kiến góp phần giảm 2.000 tấn khí thải C02 hàng năm ra môi trường.
  • Chiến dịch “Đổi rác lấy quà trên điện thoại Green Day” được Duy Tân phối hợp cùng Doanh nghiệp xã hội MGREEN triển khai định kỳ vào Thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần tại các trung tâm thương mại, chung cư, khu dân cư và trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 4 cho tới hết tháng 9 năm 2023. Dự án là hoạt động khởi đầu cho chuỗi chương trình “Phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” của Nhựa Duy Tân trong năm 2023 vì mục tiêu chung là xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn & bảo vệ môi trường.
Các kết quả chuyển đổi xanh mà Nhựa Duy Tân đã đạt được
Hình 03: Các kết quả chuyển đổi xanh mà Nhựa Duy Tân đã đạt được

4. Doanh nghiệp nhựa nên bắt đầu từ đâu trong hành trình chuyển đổi xanh

Đối với các doanh nghiệp nhựa Việt Nam đang tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, điều quan trọng là phải áp dụng cách tiếp cận chiến lược phù hợp với cả mục tiêu bền vững và mục tiêu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Ngành nhựa phải đối mặt với những thách thức lớn do tác động đến môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải và lượng khí thải carbon. Dưới đây là những bước cơ bản để các doanh nghiệp nhựa Việt Nam bắt đầu quá trình chuyển đổi xanh của mình:

4.1. Hiểu rõ tác động môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình

Doanh nghiệp nhựa cần tiến hành đánh giá hiện trạng tác động môi trường để hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của mình đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như thế nào, chủ yếu thông qua quá trình sản xuất (phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng), sử dụng và xử lý chất thải sau khi sử dụng, đặc biệt là rác nhựa, nhựa không phân hủy và microplastics – nhựa phân hủy thành microplastics nhỏ, có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn và ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật và con người. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo hiểu rõ các quy định của Nhà nước về môi trường tại Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn toàn cầu liên quan đến hoạt động sản xuất nhựa.

4.2. Xây dựng Chiến lược Chuyển đổi Xanh phù hợp với Chiến lược Kinh doanh

Doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh phù hợp, hài hòa với chiến lược kinh doanh của mình, bao gồm các nội dung chính cần lưu ý như sau:

  • Đổi mới nguyên vật vật liệu: Nghiên cứu và đầu tư vào các vật liệu thay thế bền vững hơn, chẳng hạn như nhựa sinh học hoặc nhựa tái chế.
  • Tối ưu hóa quy trình sản xuất bằng việc đầu tư vào công nghệ tiến tiến: Cải thiện quy trình sản xuất để tiết kiệm năng lượng và giảm chất thải. Áp dụng các nguyên tắc sản xuất tinh gọn có thể mang lại lợi ích cho việc quản lý và vận hành.
  • Tối ưu hóa quy trình cung ứng điều vận và logistics với tôn chỉ giảm dần phát thải scope 2 và scope 3.
  • Gia tăng hệ sinh thái xanh với các nhà cung cấp có cùng mục tiêu chuyển đổi xanh.

4.3. Thiết lập mục tiêu rõ ràng và khả thi

Mục tiêu phát triển bền vững cần được xây dựng theo tiêu chí SMART: cụ thể, rõ ràng, hợp lý, có thể đạt được và đo lường được, hướng đến mục tiêu chung là giảm tác động tiêu cực đối với môi trường, con người và xã hội. Mục tiêu phải có kế hoạch hành động đi kèm với sự cam kết thực hiện của lãnh đạo và có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Một số mục tiêu cụ thể có thể xem xét bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu chất thải, tăng tỷ lệ tái chế hoặc chuyển sang sử dụng nguyên liệu, năng lượng bền vững hơn…

4.4. Thực thi bền vững

Đây chính là bước quan trọng nhất quyết định sự thành công hay không của một lộ trình chuyển đổi xanh, bao gồm các định hướng chính như sau:

1 số phương pháp thực thi chiến lược phát triển bền vững
Hình 04: 1 số phương pháp thực thi chiến lược phát triển bền vững
  • Thiết kế và đổi mới sản phẩm: Thiết kế các sản phẩm có tính đến thời hạn sử dụng cuối cùng, giúp chúng dễ dàng tái chế hoặc phân hủy hơn. Đây là quá trình phát triển sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện tại để giảm thiểu tác động môi trường, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng, và thúc đẩy lợi ích xã hội. Quá trình này không chỉ tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn nhằm tạo ra giá trị bền vững cho cả người tiêu dùng và xã hội. Một số khía cạnh chính của thiết kế và đổi mới sản phẩm chuyển đổi xanh bao gồm: thiết kế sản phẩm bền vững (eco design), đổi mới công nghệ xanh, tối ưu hóa quy trình sản xuất
  • Đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng: Nâng cấp máy móc và thiết bị lên những mẫu tiết kiệm năng lượng hơn để giảm lượng khí thải carbon. Đây là quá trình tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng để đạt được mức độ sản xuất hoặc mức độ thoải mái nhất định với lượng năng lượng tối thiểu cần thiết. Mục đích là giảm thiểu lãng phí năng lượng, tăng cường bảo vệ môi trường, và tối ưu hóa chi phí vận hành. Một số yếu tố chính và cách thức đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng bao gồm: Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng của thiết bị và nhà xưởng, tối ưu hóa quy trình vận hành, sử dụng năng lượng tái tạo…
  • Đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến: Đầu tư vào các công nghệ nâng cao khả năng tái chế, đặc biệt là việc xử lý rác thải nhựa sau tiêu dùng. Các hoạt động chính bao gồm: cải tiến quy trình tái chế, áp dụng công nghệ sàn lọc và phân loại, công nghệ xử lý chất thải nguy hại; phát triển vật liệu tái chế mới; tăng cường tái sử dụng và phục hồi năng lượng.
  • Quản lý chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain Management – GSCM): Đây là việc tích hợp các nguyên tắc và thực hành bảo vệ môi trường vào tất cả các khía cạnh của quản lý chuỗi cung ứng, từ thiết kế sản phẩm, mua sắm nguyên liệu, sản xuất, đến phân phối, vận chuyển, và quản lý sản phẩm cuối đời, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Mục tiêu của GSCM không chỉ là giảm phát thải và giảm tiêu thụ tài nguyên mà còn tạo ra lợi ích kinh tế thông qua việc cải thiện hiệu suất & tối ưu hóa chi phí.
  • Xây dựng hệ sinh thái xanh: Liên kết với các nhà cung cấp xanh có cùng cam kết bền vững để cùng hợp tác và phát triển là một chiến lược quản lý chuỗi cung ứng mà trong đó các doanh nghiệp và tổ chức chọn lựa và làm việc cùng với những nhà cung cấp và đối tác cam kết với các mục tiêu và nguyên tắc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường qua toàn bộ chuỗi giá trị mà còn góp phần vào việc xây dựng một thương hiệu có trách nhiệm và bền vững, bao gồm các hoạt động đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp, hợp tác phát triển chung và cùng chia sẽ lợi ích, cam kết bền vững
  • Xây dựng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất về toàn bộ vòng đời của sản phẩm, bao gồm cả trách nhiệm xử lý rác thải nhựa sau tiêu dùng.

4.5. Giám sát, báo cáo và cải tiến liên tục

  • Theo dõi tiến độ: Thường xuyên theo dõi và báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu môi trường nhờ vào các công cụ kỹ thuật số.
  • Cải tiến liên tục: Liên tục đánh giá và cải thiện các hoạt động bền vững của doanh nghiệp dựa trên công nghệ mới, xu hướng thị trường và những thay đổi về quy định của Nhà nước và các tiêu chuẩn quốc tế.

4.6. Truyền thông & Marketing

  • Truyền đạt cam kết của tổ chức trong nội bộ và ra bên ngoài: Truyền đạt một cách minh bạch các sáng kiến và thành tựu xanh của doanh nghiệp tới các bên liên quan để tạo dựng niềm tin và nâng cao danh tiếng thương hiệu.
  • Đào tạo, nâng cao nhận thức của lãnh đạo và nhân viên về các hoạt động bền vững và tầm quan trọng của việc quản lý môi trường, hướng đến xây dựng Văn hóa xanh trong doanh nghiệp.

Tóm lại, việc chuyển đổi sang thực hành xanh trong ngành nhựa Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp thiết về môi trường mà còn là cơ hội kinh doanh khi gen Z – những người có sự quan tâm rất lớn tới môi trường chính là nguồn lực ra quyết định mua sắm chủ yếu trong 5 đến 10 năm tới. Bằng cách áp dụng các biện pháp thực hành bền vững, các công ty nhựa Việt Nam có thể giảm chi phí, đổi mới sản phẩm, tuân thủ các quy định và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi cam kết cải tiến liên tục và sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động bền vững một cách dài hạn.

 

Reference:
FPT Digital, 2024 – Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 2)

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành dược phẩm 02. Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua thị trường trái phiếu xanh 03. Phát triển năng lượng tái tạo trong ngành nông nghiệp 04. Thay đổi trong vai trò của giám đốc tài chính trong xây dựng & thực thi chiến lược phát triển bền vững
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT.