Công trình xanh & 03 tiêu chuẩn phổ biến trong thiết kế xây dựng công trình xanh

Công trình xanh & 03 tiêu chuẩn phổ biến trong thiết kế xây dựng công trình xanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thách thức về môi trường ngày càng tăng, công trình xanh trở thành một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị. Cụ thể, các công trình xanh được xem là giải pháp hàng đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, cũng như cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trên bối cảnh chung của nhu cầu phát triển bền vững trên toàn cầu, việc thiết lập và tuân thủ các tiêu chuẩn trong thiết kế và xây dựng công trình xanh không chỉ là lựa chọn định hướng mà trở thành yêu cầu cấp thiết. Các tiêu chuẩn này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các giá trị bền vững cho ngành bất động sản, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Cụ thể, các khung đánh giá quốc tế như LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) và BREEAM (Building Research Establishment Environmental Assessment Method) được xem như những tiêu chuẩn phổ biến và uy tín, bao hàm các hướng dẫn đầy đủ cho việc thiết kế xây dựng và vận hành các công trình xanh, phản ánh cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững.

1. Tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế – LEED (Leadership in Energy & Environmental Design)

LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) là hệ thống đánh giá và chứng nhận công trình xanh phát triển bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ (USGBC) được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Hệ thống này cung cấp bộ tiêu chuẩn toàn diện để đánh giá hiệu quả môi trường của một công trình trong suốt vòng đời của nó, từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành.

Khung đánh giá LEED bao gồm 08 hạng mục với các tiêu chí cụ thể để đo lường định lượng mức độ đáp ứng tiêu chuẩn thân thiện với môi trường của một công trình xây dựng, chi tiết như sau:

Khung đánh giá công trình xanh LEED bao gồm 08 hạng mục
Hình 01: Khung đánh giá công trình xanh LEED bao gồm 08 hạng mục
  • Location & Transportation (LT): Hạng mục Vị trí & Giao thông tập trung vào các chính sách hỗ trợ tiếp cận và tăng hiệu suất sử dụng tiện ích công cộng, khuyến khích các phương án lựa chọn giao thông bền vững giảm phát thải carbon.
  • Sustainable Sites (SS): Hạng mục Khuôn viên bền vững bao gồm các chính sách quản lý bảo tồn môi trường sống và hệ sinh thái, tái sử dụng nguồn nước mưa, giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng hay tác động của hệ thống chiếu sáng nhân tạo đến môi trường sống tự nhiên.
  • Water Efficiency (WE): Hạng mục Hiệu quả sử dụng nước nhấn mạnh các hoạt động quản lý, đo lường và cải thiện hiệu quả sử dụng nhằm mục đích phục hồi và tăng chất lượng nguồn nước.
  • Energy & Atmosphere (EA): Hạng mục Năng lượng & Khí quyển thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm do phát thải và tác động của hiệu ứng nhà kính đến môi trường khí quyển.
  • Materials & Resources (MR): Hạng mục Vật liệu & Tài nguyên đề cập đến các chính sách quản lý khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, sử dụng vật liệu tái chế và công tác xử lý rác thải.
  • Indoor Environmental Quality (EQ): Hạng mục Chất lượng môi trường trong nhà bao gồm các tiêu chí đánh giá việc đáp ứng nhu cầu về không gian sống thoải mái và lành mạnh, cụ thể là các biện pháp cải thiện chất lượng không khí, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng tự nhiên phù hợp với sức khỏe của con người.
  • Innovation (IN): Hạng mục Đổi mới khuyến khích các giải pháp sáng tạo trong thiết kế thi công, tăng tính linh hoạt và hiệu năng sử dụng của công trình.
  • Regional Priority (RP): Hạng mục Ưu tiên khu vực cung cấp các góc độ đánh giá về mức độ quan trọng và tính phù hợp với điều kiện môi trường cũng như văn hóa địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và giá trị của các công trình xanh cho cộng đồng tại khu vực.

2. Tiêu chuẩn môi trường quốc tế cho công trình xây dựng BREEAM (Building Research Establishment Environmental Assessment Method)

BREEAM (Building Research Establishment Environmental Assessment Method) là phương pháp đánh giá môi trường được áp dụng rộng rãi cho các công trình xây dựng, do Cơ quan Nghiên cứu Xây dựng (BRE) của Anh nghiên cứu và đưa ra vào năm 1990. Ban đầu, mục tiêu của BREEAM là thúc đẩy các thiết kế liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Sau đó, nó đã được cải tiến và phát triển thành một hệ thống đánh giá toàn diện cho “tòa nhà bền vững”, không chỉ xét đến khía cạnh môi trường mà còn cân nhắc cả các yếu tố kinh tế, xã hội và đổi mới, đồng thời mở rộng phạm vi các tiêu chí đánh giá.

BREEAM cung cấp khung đánh giá định lượng đa chiều về tính bền vững, qua đó đo lường và chứng nhận giá trị bền vững của một dự án (công trình) dựa trên các hạng mục đánh giá cụ thể, tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng như sau:

Khung đánh giá công trình xanh BREEAM bao gồm 12 hạng mục
Hình 02: Khung đánh giá công trình xanh BREEAM bao gồm 12 hạng mục
  • Management: Hạng mục Quản lý chú trọng về các chính sách và quy trình quản lý dự án bắt đầu từ trước, trong và sau khi xây dựng công trình.
  • Water: Hạng mục Tài nguyên Nước tập trung vào việc giảm thiểu tiêu thụ nước và lượng nước thải thông qua các chiến lược quản lý thông minh.
  • Energy: Hạng mục Năng lượng khuyến khích áp dụng các giải pháp cho mục tiêu giảm nhu cầu năng lượng và tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng.
  • Transport: Hạng mục Vận tải định hướng sử dụng mạng lưới giao thông công cộng, khuyến khích các phương thức giao thông bền vững, giảm phát thải khí CO2.
  • Health & Wellbeing: Hạng mục Sức khỏe và An sinh đề cao các tính năng được thiết kế xây dựng để đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái cho người sử dụng.
  • Resources: Hạng mục Tài nguyên nhấn mạnh việc khai thác và sử dụng hiệu quả các tài nguyên và năng lượng tái tạo.
  • Resilience: Hạng mục Phục hồi tập trung vào khả năng phục hồi của công trình trước các thách thức từ môi trường và biến đổi khí hậu.
  • Land Use & Ecology: Hạng mục Sử dụng đất & Sinh thái khuyến khích sử dụng đất có trách nhiệm, bảo tồn và cải thiện đa dạng sinh học.
  • Pollution: Hạng mục Ô nhiễm thúc đẩy các biện pháp quản lý và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, ô nhiễm ánh sáng và tiếng ồn, giảm thiểu tác động tiêu cực tới cộng đồng.
  • Materials: Hạng mục Vật liệu khuyến khích lựa chọn sử dụng nguyên vật liệu xanh và thân thiện để giảm thiểu tác động đến môi trường.
  • Waste: Hạng mục Rác thải đề cập đến các chiến lược giảm thiểu và quản lý rác thải như xử lý tái chế hay tái sử dụng rác thải.
  • Innovation: Hạng mục Đổi mới hướng tới sự công nhận về thiết kế đổi mới, bền vững và sáng tạo.

Các mô hình đánh giá quốc tế như LEED và BREEAM đã thiết lập tiêu chuẩn cao cho việc thiết kế, xây dựng và vận hành bền vững của các công trình xanh. Những khung đánh giá này cùng hướng tới giải quyết các vấn đề chung về môi trường thông qua việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và nước, giảm lượng khí thải CO2, nâng cao chất lượng sống và làm việc cho người sử dụng. Trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, quốc gia đang trên đà phát triển với đặc điểm khí hậu, văn hóa và quy định xây dựng riêng biệt, cần thiết phải có một khung tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh được thiết kế phù hợp, không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ ngành bất động sản mà còn thể hiện sự cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.

3. Hệ thống tiêu chí Công trình xanh LOTUS (dành riêng cho Việt Nam)

LOTUS là hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường bất động sản tại Việt Nam. Hệ thống này do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) nghiên cứu phát triển và hoàn thiện, từ các phiên bản thử nghiệm vào năm 2010 đến phiên bản cập nhật mới nhất là LOTUS cho Công trình xây mới V3 (LOTUS NC V3) được phát hành vào tháng 4/2019. Hiện nay, LOTUS có khả năng áp dụng cho hầu hết các loại hình dự án xây dựng, các tiêu chí được điều chỉnh để đảm bảo sự phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như các quy chuẩn xây dựng tại Việt Nam, đồng thời chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ tốt nhất nhằm mục đích thiết lập các đường cơ sở và điểm chuẩn tương đương với những hệ thống đánh giá tiên tiến như LEED và BREEAM.

Tương tự các hệ thống chứng nhận công trình xanh quốc tế, LOTUS có cấu trúc gồm các tiêu chí bắt buộc (prerequisites) và các tiêu chí tự nguyện (credits), được chia thành các hạng mục (nhóm tiêu chí). LOTUS NC có 06 hạng mục chính là Năng lượng, Nước, Vật liệu & Tài nguyên, Sức khỏe & Tiện nghi, Vị trí & Môi trường, Quản lý; và 01 hạng mục bonus ghi nhận các giải pháp sáng tạo hoặc dự án có hiệu năng vượt trội. Chi tiết các tiêu chí được sắp xếp theo từng hạng mục như sau:

Khung đánh giá công trình xanh tại Việt Nam - LOTUS bao gồm 06 hạng mục chính và 01 hạng mục bonus
Hình 03: Khung đánh giá công trình xanh tại Việt Nam – LOTUS bao gồm 06 hạng mục chính và 01 hạng mục bonus

Tổng quan chung các khung đánh giá như LEED, BREEAM, và LOTUS không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng các công trình xanh với hiệu suất, hiệu năng cao và ít tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn đem lại lợi ích những thiết thực cho tất cả các bên liên quan từ chủ đầu tư, người sử dụng, đến cộng đồng và xã hội, cụ thể:

  • Đối với chủ đầu tư và doanh nghiệp: Giảm chi phí vận hành và bảo trì, nâng cao giá trị và sức hấp dẫn của bất động sản, cải thiện hình ảnh và uy tín của thương hiệu, qua đó thu hút đầu tư và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường​​.
  • Đối với người sử dụng: Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống (tiện nghi), tăng năng suất làm việc, và tiết kiệm chi phí sinh hoạt​​.
  • Đối với cộng đồng và xã hội: Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.

Bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững trong thiết kế và xây dựng công trình xanh, việc áp dụng công nghệ là yếu tố đòn bẩy quan trọng, giúp các dự án (công trình) đạt được và thậm chí vượt qua những yêu cầu của các tiêu chuẩn. Công nghệ, từ phần mềm thiết kế đến các giải pháp quản lý tòa nhà thông minh và tích hợp năng lượng tái tạo, không chỉ hỗ trợ việc thiết kế và vận hành công trình một cách hiệu quả mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Sự kết hợp giữa tiêu chuẩn bền vững và công nghệ trở thành chiến lược thiết yếu để ngành bất động sản có thể đáp ứng và vượt trội hơn nữa.

4. Các xu hướng công nghệ trong thiết kế xây dựng công trình xanh

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính bền vững của ngành bất động sản, trao quyền cho các chuyên gia tạo ra các công trình xanh hiệu quả, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Dưới đây là một số cách thức công nghệ được áp dụng để thúc đẩy tính bền vững:

Các xu hướng công nghệ trong thiết kế xây dựng công trình xanh
Hình 04: Các xu hướng công nghệ trong thiết kế xây dựng công trình xanh
  • Công nghệ xanh: Bao gồm các công nghệ như pin mặt trời, gió, nước, sinh khối, hệ thống quản lý năng lượng thông minh, hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa, và hệ thống xử lý nước thải sinh học. Những công nghệ này giúp tạo ra năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải nhà kính, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, và tái chế các chất thải sinh học.
  • Ra quyết định dựa trên Dữ liệu lớn: Các chuyên gia áp dụng công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu về hiệu quả năng lượng, sử dụng nước và tác động môi trường, cung cấp thông tin quan trọng cho quyết định thiết kế và vận hành bền vững.
  • Mô hình hóa thông tin công trình (BIM): Phần mềm BIM giúp tạo ra các mô hình 3D chi tiết, tăng cường sự hợp tác, giảm chất thải xây dựng và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
  • Tích hợp Năng lượng tái tạo: Áp dụng các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và nguồn năng lượng tái tạo khác, kết hợp lưới điện thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
  • Đổi mới vật liệu: Công nghệ giúp xác định và tìm nguồn cung cấp các vật liệu bền vững như thép tái chế, tre và bê tông chịu tác động thấp, qua đó thúc đẩy sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
  • Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR): Công cụ này giúp trực quan hóa các thiết kế bền vững, cho phép các bên liên quan trải nghiệm không gian trước khi xây dựng và xác định các cải tiến tiềm năng.
  • Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain): Tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của vật liệu bền vững và tính hợp lệ của các chứng nhận.
  • Hệ thống và Thiết bị thông minh: Sử dụng thiết bị thông minh cùng với hệ thống chiếu sáng và HVAC (Heating, Ventilation, and Air Conditioning) hiệu quả giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà.
  • Bảo trì dự đoán: Cảm biến IoT giám sát hiệu suất thiết bị, dự đoán nhu cầu bảo trì, giúp ngăn ngừa lãng phí năng lượng và kéo dài tuổi thọ của hệ thống.
  • Chứng chỉ và Xếp hạng xanh: Công nghệ không chỉ thúc đẩy đạt được chứng chỉ mà còn hỗ trợ duy trì các xếp hạng xanh như LEED, BREEAM, và LOTUS, thông qua theo dõi chỉ số tuân thủ và hiệu suất vận hành.

 

Trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng được coi trọng, việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế xây dựng và vận hành công trình xanh trở thành yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp và dự án xây dựng. Các tổ chức doanh nghiệp trong ngành xây dựng cần chủ động, tích cực hướng tới việc tích hợp các tiêu chuẩn như LEED, BREEAM, và LOTUS vào trong quy trình thiết kế xây dựng và vận hành của mình. Các bước cần thực hiện chuẩn bị, lựa chọn và triển khai áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh bao gồm:

  • Xác định mục tiêu bền vững cụ thể: Cần xác định rõ ràng mục tiêu bền vững của dự án, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và địa phương, để định hình chiến lược thiết kế xây dựng và vận hành.
  • Lựa chọn khung đánh giá phù hợp: Dựa trên mục tiêu và đặc điểm của dự án, lựa chọn khung đánh giá bền vững phù hợp, đảm bảo rằng tiêu chuẩn được áp dụng tối ưu cho môi trường và bối cảnh cụ thể của dự án.
  • Tích hợp từ giai đoạn đầu: Việc áp dụng các tiêu chuẩn nên được tích hợp ngay từ giai đoạn đầu của quy trình thiết kế để đảm bảo rằng mọi yếu tố của công trình đều hướng tới mục tiêu bền vững đã đề ra.
  • Sử dụng công nghệ và sáng tạo: Áp dụng các công nghệ tiên tiến và sáng tạo trong thiết kế và vận hành để tối ưu hóa hiệu suất năng lượng và tài nguyên, đồng thời tạo ra những giải pháp mới cho các thách thức hiện hữu.
  • Kiểm định và đánh giá liên tục: Quá trình kiểm định và đánh giá liên tục giúp theo dõi hiệu suất bền vững của dự án và đảm bảo rằng công trình vận hành theo đúng các tiêu chuẩn đã đề ra.

Thông qua cách thức chú trọng vào việc áp dụng và thực hiện các bước nêu trên, doanh nghiệp và các dự án xây dựng không chỉ góp phần vào việc bảo vệ môi trường mà còn nâng cao giá trị và vị thế của mình trong mắt khách hàng và cộng đồng, tiến bước vững chắc hơn trên hành trình hướng tới tương lai bền vững.

 

Reference:
FPT Digital, 2024 – Công trình xanh & 03 tiêu chuẩn phổ biến trong thiết kế xây dựng công trình xanh

Nghiên cứu nổi bật
01. Lan tỏa xu hướng Chuyển đổi xanh đến ngành sản xuất bao bì 02. Tầm quan trọng của tài chính xanh với bất động sản khu công nghiệp 03. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 02) 04. Tăng tốc chuyển đổi xanh bằng các giải pháp số
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT.