Khái niệm về ngân sách carbon và tầm quan trọng

Khái niệm về ngân sách carbon và tầm quan trọng

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, “ngân sách carbon” đã trở thành chủ đề nóng hổi trong mọi cuộc trò chuyện về bảo vệ môi trường nhằm duy trì sự cân bằng sinh thái. Ngân sách carbon liên quan chặt chẽ đến việc đo lường, theo dõi và quản lý lượng khí nhà kính mà chúng ta sinh ra và tiêu thụ, nhằm giữ cho mức nhiệt độ trên toàn cầu ổn định. Đây không chỉ là vấn đề của các nhà khoa học mà liên quan trực tiếp đến sự sống còn của mỗi người trên hành tinh mà chúng ta gọi là nhà.

1. Hậu quả của biến đổi khí hậu

Có lẽ nhiều người cảm thấy không liên quan với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và cho rằng đó là trách nhiệm của thế hệ sau hoặc của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng nếu mỗi người không hành động ngay hôm nay, hậu quả tương lai sẽ rất nghiêm trọng khó lường. Biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều khía cạnh, cụ thể như:

  • Mực nước biển dâng cao: Trái đất nóng lên làm băng tan, khiến mực nước biển tăng cao, gây lũ lụt, triều cường, làm diện tích đất bị thu hẹp, sạt lở vùng ven biển.
  • Thời tiết khắc nghiệt: Trái đất nóng lên có thể dẫn đến hình thái thời tiết khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như bão, lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt gây thiệt hại về người và tài sản, cũng như làm gián đoạn hoạt động kinh tế.
  • Thảm họa môi trường: Trái đất nóng lên có thể dẫn đến các thảm họa môi trường, chẳng hạn như mất đa dạng sinh học, cháy rừng và sự tàn lụi của các rạn san hô.
  • Sức khỏe con người: Trái đất nóng lên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo nhiều cách, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, ung thư và các bệnh về đường hô hấp. Nhiệt độ tăng cao cũng có thể khiến các vấn đề sức khỏe tâm thần trở nên trầm trọng hơn.
Hình 1: Biểu đồ mô tả lượng khí thải (CO2) trong 60 năm qua

2. Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu – Thỏa thuận Paris năm 2015

Năm 2015, trước bối cảnh 700 thành phố ven biển trên thế giới có khả năng bị ngập lụt thậm chí biến mất (theo báo cáo của Climate Central năm 2021), Thỏa thuận Paris đã được ký kết trước sự đồng thuận của hơn 140 quốc gia.

Thỏa thuận Paris là một hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu, đạt được tại Paris, Pháp, trong Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP21) vào tháng 12 năm 2015. Thỏa thuận này nhằm mục tiêu giảm lượng khí nhà kính toàn cầu và giữ tăng nhiệt độ trung bình thế giới dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và nỗ lực để hạn chế nó dưới 1,5 độ C.

“Tiền công nghiệp” là một thuật ngữ dùng để chỉ mức độ tập trung khí nhà kính trong khí quyển trước Cách mạng Công nghiệp. Mức này thường được sử dụng làm tiêu chuẩn để đo lường tiến độ của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu mới nhất cho thấy nồng độ CO2 trong khí quyển vào tháng 5/2022 đã đạt ngưỡng 420 ppm, cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là nồng độ cao chưa từng thấy trong khoảng 4 triệu năm qua, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) hôm 3/6/2022 đã nhấn mạnh. Mức 420 ppm hiện tại có thể so sánh với nồng độ ước tính trên 400 ppm cách đây 4,1 đến 4,5 triệu năm. Vào thời điểm đó, mực nước biển cao hơn bây giờ từ 5 đến 25 m, đủ cao để nhấn chìm nhiều thành phố lớn hiện nay.Sự gia tăng này là do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như than, dầu và khí tự nhiên.

Trước cuộc “cách mạng công nghiệp”, nồng độ CO2 đã duy trì ổn định ở mức 280 phần triệu (ppm) trong khoảng 6.000 năm văn minh nhân loại. các nhà khoa học tin rằng đây là mức an toàn cho hành tinh. Nếu chúng ta tiếp tục phát thải khí nhà kính với tốc độ hiện tại, nồng độ CO2 trong khí quyển có thể đạt 500 ppm vào cuối thế kỷ này. Điều này có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho hành tinh, bao gồm mực nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn và gián đoạn sản xuất nông nghiệp.

Thỏa thuận Paris bao gồm một số điều khoản chính, bao gồm:

  • Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationaly Determined Contributions, NDCs): Các NDCs này là những cam kết mà mỗi quốc gia tự nguyện đề ra, không bắt buộc pháp lý, nhưng nó giúp xác định hành động và mục tiêu cụ thể mà quốc gia đó sẽ thực hiện để giảm lượng khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi quốc gia tham gia thỏa thuận phải trình NDC của mình, trong đó nêu rõ các mục tiêu giảm lượng khí thải của họ. Các NDC được cập nhật định kỳ theo thời gian.
  • Hỗ trợ tài chính: Các quốc gia phát triển cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để giúp họ giảm lượng khí thải và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
  • Thích ứng: Các quốc gia tham gia thỏa thuận cam kết thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm việc đầu tư vào các biện pháp như xây dựng đê chắn sóng để bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi mực nước biển dâng.

 

Hình 2: Số lượng ngân sách carbon còn lại

3. Khái niệm ngân sách carbon (Carbon Budget)

Ngân sách carbon là khái niệm mô tả lượng khí nhà kính, đặc biệt là CO2 có thể phát thải ra mà không khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vượt mức xác định. Thỏa thuận Paris xác định mục tiêu là giữ tăng nhiệt độ trung bình dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, và ưu tiên mức dưới 1,5 độ C. Việc theo dõi và quản lý ngân sách carbon là một phần quan trọng của các nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí nhà kính và ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Hình 3: Mô tả phân bổ ngân sách carbon

Ngân sách carbon thế giới sẽ được phân bổ về các quốc gia và từ các quốc gia về doanh nghiệp. Mức ngân sách carbon thường được phân chia giữa các quốc gia và khu vực khác nhau dựa trên các yếu tố như dân số, lịch sử phát thải, và khả năng chi trả.

4. Ngân sách carbon có ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp

Ngân sách carbon tương tự như ngân sách tài chính thông thường của một doanh nghiệp hoặc quốc gia. Hiện chúng ta đã thải ra bao nhiêu, chúng ta còn lại bao nhiêu và làm sao để đạt mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đề ra là những câu hỏi làm đau đầu chủ doanh nghiệp hiện tại. Nếu vượt quá ngân sách carbon được đặt ra, doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm phát thải từ chính phủ, cộng đồng, hoặc khách hàng.

Hình 4: Ngân sách carbon có ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp

Đứng trước rủi ro của các quy định mới về biến đổi khí hậu, ngoài việc chấp nhận nộp phí phạt hoặc thuế. Doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều phương án, ví dụ:

  • Thực hiện kế toán carbon (Kiểm kê khí nhà kính / Carbon Accounting / GHG Accounting): Sau khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính, doanh nghiệp sẽ hiểu được mức độ ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh và sản xuất của mình từ đó kịp thời lên kế hoạch chuyển đổi. Đọc thêm về “kế toán carbon” tại đây.
  • Chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo: Năng lượng tái tạo đang trở nên ngày càng rẻ hơn và hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, mua điện từ các nhà cung cấp năng lượng tái tạo hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
  • Cải thiện hiệu quả năng lượng: Các doanh nghiệp có thể giảm lượng khí thải bằng cách cải thiện cách sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, nhà máy và phương tiện. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cách nhiệt tốt hơn, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa các quy trình sản xuất.
  • Đầu tư vào các công nghệ mới: Các công nghệ mới, chẳng hạn như thu giữ và lưu trữ carbon, có thể giúp giảm lượng khí thải của các doanh nghiệp. Đây là công nghệ cho phép tách carbon ra khỏi khí thải và lưu trữ nó dưới lòng đất, thường bao gồm ba giai đoạn chính: thu giữ (capture), vận chuyển (transport), và lưu trữ (storage).
  • Mua tín chỉ giảm phát thải (tín chỉ carbon): Tín chỉ carbon là một loại chứng chỉ đại diện cho một tấn khí thải carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được giảm thiểu hoặc loại bỏ khỏi khí quyển. Tín chỉ carbon được sử dụng trong các chương trình giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như Cơ chế phát triển sạch (CDM) của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tín chỉ carbon có thể được mua và bán trên thị trường tự do. Các doanh nghiệp và tổ chức có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải của họ. Điều này có thể giúp họ đáp ứng các mục tiêu về phát thải khí nhà kính hoặc tuân thủ các quy định về môi trường.

Chuyển đổi xanh là quá trình không hề đơn giản đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu từ những chuyên gia hàng đầu. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh từ khâu tư vấn đến triển khai báo cáo.

Nghiên cứu nổi bật
01. Sự gia nhập của Giám đốc Phát triển bền vững – Chief Sustainability Officer (CSO) trong thời kì “chuyển đổi kép” 02. Sự phát triển của sàn thương mại điện tử đã ảnh hưởng thế nào đối môi trường toàn cầu? 03. Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp: xu thế và những lợi ích mang lại 04. Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 2)
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT.