Phát thải phạm vi 3 – Cách đo lường và chiến lược giảm phát thải hiệu quả

Phát thải phạm vi 3 – Cách đo lường và chiến lược giảm phát thải hiệu quả

Giảm phát thải khí nhà kính (GHG) cả trực tiếp và gián tiếp đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty trong nỗ lực hướng tới trung hòa carbon (Net Zero) hiện nay. Việc giảm lượng khí thải trực tiếp (Phạm vi 1,2) tương đối đơn giản vì nó liên quan đến lượng khí thải mà công ty sở hữu và kiểm soát. Tuy nhiên, lượng phát thải trực tiếp này chỉ chiếm 20% tổng lượng phát thải của doanh nghiệp, trong khi đó 80% khí thải phát sinh gián tiếp từ chuỗi giá trị bên ngoài doanh nghiệp. Do việc kiểm soát khu vực phát thải này đòi hỏi phải hợp tác chặt chẽ với từng đối tác để thu thập lượng thông tin khổng lồ dọc theo chuỗi giá trị đó, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt trong quá trình đo lường và giảm phát thải gián tiếp từ Phạm vi phát thải 3

Vậy phát thải phạm vi 3 là gì? Bao gồm những hoạt động nào trong chuỗi? Mức độ ảnh hưởng đến tổng lượng phát thải của doanh nghiệp? Làm thế nào để đo lường và giảm lượng phát thải này hiệu quả

Phát thải phạm vi 3 (Scope 3 emissions) là gì?

Hiện nay, tiêu chuẩn GRI (Global Reporting Initiative) đã được các tổ chức phát triển bền vững trên thế giới sử dụng như hệ thống tiêu chuẩn dành cho báo cáo công khai hàng loạt các tác động về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Báo cáo phát triển bền vững dựa trên các tiêu chuẩn cung cấp thông tin về những tác động tích cực và tiêu cực của tổ chức đối với phát triển bền vững.Theo bộ tiêu chuẩn GRI, tổng lượng phát thải nhà kính của doanh nghiệp được đo lường ở 3 phạm vi như sau:

  • Phát thải phạm vi 1 (Scope 1 emissions): Tất cả lượng khí thải phát sinh trực tiếp từ hoạt động sản xuất – kinh doanh của tổ chức và nằm dưới sự sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp của tổ chức đó. Ví dụ: khí thải từ hoạt động sản xuất tại các nhà máy của doanh nghiệp.
  • Phát thải phạm vi 2 (Scope 2 emissions): Lượng phát thải được tạo ra trong quá trình sản xuất năng lượng của các đơn vị cung cấp, sau đó được tổ chức mua lại để sử dụng cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Ví dụ: lượng khí thải gây ra khi tạo ra điện mà tổ chức sử dụng trong các nhà máy.
  • Phát thải phạm vi 3 (Scope 3 emissions): Tất cả lượng phát thải gián tiếp khác sinh ra từ các hoạt động trong chuỗi giá trị của tổ chức, xuất phát từ các nguồn nằm ngoài sự sở hữu hay kiểm soát của doanh nghiệp.
Phát thải phạm vi 3
Hình 1: Phát thải phạm vi 1, 2, 3

Phát thải phạm vi 3 bao gồm những hạng mục nào?

Do lượng khí thải carbon phạm vi này rất rộng và chủ yếu đến từ các nhà cung cấp khác trong chuỗi giá trị của tổ chức nên rất khó để xác định và quản lý. Dưới đây là một vài ví dụ về những nguồn phát thải trong phạm vi 3:

  • Hoạt động đầu tư và mua sắm
  • Vận chuyển và Phân phối hàng hóa và vật liệu
  • Xử lý chất thải trong quá trình sản xuất
  • Các chuyến đi công tác
  • Vấn đề di chuyển của nhân viên đến nơi làm việc
  • Cách thức sử dụng sản phẩm bán ra
  • Cách thức xử lý sản phẩm tại cuối vòng đời
  • Cách thức vận chuyển và phân phối sản phẩm đến khách hàng
  • Tài sản thuê
  • Cách thức sử dụng sản phẩm được thuê
  • Cách thức vận chuyển sản phẩm của người mua
  • Cách thức xử lý sản phẩm đã bán
  • Các điểm kinh doanh theo mô hình nhượng quyền
  • Các hoạt động thuê bên ngoài
  • Các hoạt động hợp tác, liên doanh

Tại sao việc đo lường dấu chân carbon của nhà cung cấp lại quan trọng?

Theo McKinsey, lượng phát thải khí nhà kính gián tiếp trong chuỗi giá trị của một công ty trung bình cao hơn từ 5 đến 25 lần so với lượng phát thải trực tiếp. Do đó, để tạo nên tính bền vững của chuỗi cung ứng, Phạm vi phát thải 3 là ưu tiên quan trọng để khử lượng cacbon và giảm rủi ro cho thương hiệu.

Hình 2: Ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng đến môi trường

Hiện tại, mặc dù việc báo cáo về Phạm vi 3 (Scope 3 emissions report) vẫn chưa phải là một yêu cầu bắt buộc nhưng các doanh nghiệp cần bắt đầu nghiên cứu các phương pháp để ước tính lượng phát thải trong chuỗi giá trị cũng như đề ra chiến lược giảm phát thải càng sớm càng tốt. Bởi phát thải phạm vi 3 chiếm đến 80% lượng phát thải của doanh nghiệp, nên sẽ phải chịu sự giám sát và tuân theo những quy định chặt chẽ từ các nhà đầu tư, các đối tác nhập khẩu, Chính phủ,…
Ngoài việc tuân thủ quy định, các công ty cũng nên thực hiện báo cáo phát thải phạm vi 1,2,3 một cách minh bạch. Việc đo lường và báo cáo lượng phát thải, đặc biệt trong Phạm vi 3 là một cách hiệu quả để các công ty nhìn nhận về thực trạng phát thải của doanh nghiệp cũng thể hiện với các bên liên quan – bao gồm các nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên – rằng họ hiểu tác động của chúng đối với môi trường và đang tích cực làm việc để giảm thiểu dấu chân tổng thể một cách có ý thức.
Nhiều công ty lớn trên thế giới đã đưa ra tiêu đề và nỗ lực giảm phát thải Phạm vi 3, điển hình là Tập đoàn công nghệ Apple. Năm 2022, sau quá trình đồng hành và hỗ trợ nhà cung cấp giảm thiểu lượng phát thải trong Phạm vi 1 và Phạm vi 2, năm 2022, 13.7 gigawatt điện tái tạo được sử dụng trong chuỗi cung ứng của Apple đã giúp giảm thiểu được 17.4 triệu tấn khí thải carbon — tương đương kết quả đạt được khi loại bỏ gần 3.8 triệu xe ô tô trên đường phố. Với những nỗ lực bảo vệ môi trường của Apple, công ty đã giảm hơn 45% lượng phát thải toàn diện kể từ năm 2015 ngay cả khi hoạt động kinh doanh vẫn đang mở rộng. Năm 2023, Tập đoàn này đã công bố tiến trình mở rộng nhằm loại bỏ carbon trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, với cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch cho hoạt động sản xuất sản phẩm Apple tại hơn 300 nhà máy. Cột mốc này đưa Apple đến gần hơn với mục tiêu đầy tham vọng trung hòa carbon cho mọi sản phẩm đến năm 2030.

Hình 3: Tập đoàn Apple đưa ra những hành động nhằm giảm thiểu phát thải

Đề xuất phương án đo lường và giảm phát thải khu vực 3

Quá trình tính toán và quản lý khí thải khu vực 3 đối với nhà cung cấp đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu sự chuẩn bị và tiếp cận một cách chuyên nghiệp. Để thực hiện đo lường một cách chính xác, quan trọng nhất là đảm bảo sự bao quát toàn diện bằng cách liên kết với tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng. Điều này bao gồm cả việc đánh giá cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất, hậu cần và nguyên liệu thô, tất cả đều liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm của công ty. Đối với các doanh nghiệp đang tìm kiếm cách giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng của mình, việc thực hiện một quá trình kiểm tra toàn diện là quan trọng. Dưới đây là một số kinh nghiệm cần xem xét để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải:

Thứ nhất, để đảm bảo việc đánh giá hiệu quả về phát thải trong chuỗi cung ứng, chúng ta cần tiến hành một phân tích chi tiết về vòng đời sản phẩm (Life Cycle Analysis – LCA). Điều này bao gồm việc xem xét toàn diện tác động của sản phẩm đến môi trường, bắt đầu từ giai đoạn sản xuất, sử dụng, cho đến khi nó trở thành chất thải. Trong quá trình này, nên tập trung vào các yếu tố cốt lõi như nguyên liệu đầu vào, các bước trong chuỗi cung ứng, xử lý sản phẩm cuối cùng và tác động đến môi trường và xã hội ở mỗi giai đoạn.

Thứ hai, đặt ra các tiêu chuẩn và chỉ tiêu cho chuỗi cung ứng bền vững, và chia sẻ thông tin này với các đối tác. Để đạt được sự nhất quán trong chuỗi cung ứng xanh, doanh nghiệp cần đề ra những tiêu chuẩn cụ thể và công khai chúng đến những đối tác liên quan. Các yêu cầu nên bao gồm giảm lượng phát thải, xử lý chất thải, quản lý năng lượng, nhân quyền, và thực hành lao động.

Thứ ba, đảm bảo sự minh bạch về khả năng truy xuất nguồn gốc của nhà cung cấp là một yếu tố quan trọng. Theo dõi các hoạt động trong chuỗi cung ứng đòi hỏi sự áp dụng công nghệ hiện đại để xây dựng cơ sở dữ liệu hoặc hệ thống theo dõi hoạt động của nhà cung cấp. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng truy xuất thông tin về nguồn gốc của hàng hóa và nguyên liệu đầu vào.

Thứ tư, nâng cao khả năng thu thập dữ liệu và đo lường tính bền vững của nhà cung cấp là quan trọng để đảm bảo dữ liệu chính xác. Việc này bao gồm việc thiết lập các KPI, đánh giá rủi ro của nhà cung cấp, tác động môi trường và đo lượng phát thải khí nhà kính.

Thứ năm, ưu tiên việc áp dụng các hệ thống chuỗi giá trị khép kín và tuần hoàn để tái sử dụng và tái chế nguyên liệu thô trong quá trình sản xuất. Các giải pháp này không chỉ giúp giảm lượng phát thải mà còn mang lại lợi ích về chi phí và tạo nguồn doanh thu mới.
Cuối cùng, đảm bảo sự nhất quán giữa các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp là quan trọng để tránh xung đột với các mục tiêu tài chính và kinh doanh. Việc điều chỉnh mục tiêu phát thải và các cam kết bền vững với các mục tiêu khác giúp xác định và giải quyết những xung xung đột có thể xuất hiện.

Quá trình đo lường và giảm phát thải trong phạm vi ba yêu cầu đòi hỏi huy động tối đa nỗ lực từ các nguồn lực của doanh nghiệp trong khoảng thời gian lâu dài. Để đảm bảo hiệu quả, doanh nghiệp nên xem xét việc bắt đầu quá trình này sớm, tích hợp nó vào ngay trong chiến lược phát triển của mình. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và đảm bảo chính xác, việc thuê dịch vụ từ các đối tác uy tín có thể là một lựa chọn hợp lý. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả ngay lập tức mà còn giúp doanh nghiệp tập trung vào nhân sự và nguồn lực của mình để phát triển bền vững và đạt được mục tiêu giảm phát thải.

 

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Manutan. What is the role of procurement in reducing companies’ scope 3 carbon emissions?
(2) Plan A. 2022. Supplier’s carbon footprint: measure and reduce scope 3 emissions
(3) AIT. 2023. Scope 3 emissions là gì? Định nghĩa, tầm quan trọng, nội dung triển khai trong chiến lược ESG

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 01) 02. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành dược phẩm 03. Chuyển đổi xanh đang tạo ra các xu hướng mới về kinh tế, xã hội, và công nghệ 04. Tăng tốc chuyển đổi xanh bằng các giải pháp số
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT.